Kiểm soát thị trường vẫn hết sức khó khăn!

Cập nhật: 25-10-2013 | 00:00:00

Mặc dù lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để phòng, chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại nhưng đến nay, công tác kiểm soát thị trường vẫn gặp không ít khó khăn!

Đó là đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Trương Nhật Nam tại buổi họp báo cáo với UBND tỉnh về tình hình công tác QLTT 9 tháng đầu năm 2013 vừa được Sở Công Thương Bình Dương tổ chức. Giả mạo giấy tờ hồ sơ hải quan để nhập khẩu hàng hóa nhằm gian lận và trốn thuế; lợi dụng chính sách thuế suất ưu đãi để nhập dư số lượng nguyên liệu được phép tạm nhập, sau đó tìm mọi cách tuồn ra thị trường nội địa để bán; làm giả phân bón, khí hóa lỏng; tàng trữ sang chiết gas trái phép; hàng ngoại giả hàng Việt; gian lận về đo lường… là những hành vi vi phạm luật pháp của Việt Nam. Trong 9 tháng qua, số vụ vi phạm trở nên phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng.

QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường theo dõi, quản lý các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Trong ảnh: Kiểm tra tại chợ Thủ Dầu Một

Ông Nam cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến hết sức phức tạp. Hàng hóa bị làm giả mọi thứ từ giá trị thấp, đơn giản, nhỏ nhất như quần áo, bột ngọt, bóng đèn, dầu ăn cho đến điện thoại… Các đối tượng vi phạm sử dụng mọi chiêu thức để qua mặt lực lượng chức năng như lợi dụng ban đêm, ít bị chú ý để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Gần đây nhất, lực lượng QLTT đã bắt giữ vụ tàng trữ 5.490 gói thuốc lá lậu tại TX.Thuận An. Đối với phân bón, lần theo những vụ vi phạm, ngành chức năng cũng đã phát hiện quy trình sản xuất phân bón dỏm của một số đối tượng tại TX.Dĩ An bằng cách mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thuê mướn mặt bằng, không đăng ký kinh doanh, tổ chức pha trộn, đóng gói thủ công nhưng ghi nhãn là hàng sản xuất từ Hoa Kỳ, Israel, Taiwan rồi đưa ra thị trường để tiêu thụ…

An toàn vệ sinh thực phẩm hiện cũng là vấn đề “nóng” khi nhiều đối tượng vẫn cố tình vi phạm. Cụ thể như ngành đã liên tục phát hiện những loại bột ngọt chất lượng kém nhưng được đóng gói vào bao bì mang tên các thương hiệu nổi tiếng như Ajinomoto. Mới đây, cơ quan chức năng đã thu giữ 1.500 chai dầu ăn hiệu Đại Nam, lẫn lộn trong mớ tang vật này là nút chai, nhãn hiệu bao bì và 250 chai dầu ăn hiệu Cái Lân. Hành vi này có dấu hiệu dùng dầu giả chế vào chai thật để đóng nút và phân phối. Gas là mặt hàng nhiên liệu của nhiều hoạt động sản xuất hàng hóa, đồng thời là mặt hàng được sử dụng rộng rãi trong nhiều gia đình, hàng quán ăn. Do thị trường tiêu thụ ngày càng lớn nên nhiều cơ sở kinh doanh gas tư nhân, thậm chí tại một số công ty chiết nạp khí hóa lỏng trên địa bàn, dù am hiểu pháp luật nhưng vì lợi nhuận trước mắt mà vẫn cố ý vi phạm, hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là chiếm dụng chai LPG trái phép, kinh doanh khí hóa lỏng giả nhãn hiệu, sang chiết, tàng trữ hàng giả nhãn hiệu trái phép…

Theo đánh giá của ông Nam, hành vi vi phạm mới đáng lo ngại hiện nay là các đối tượng đang lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, làm giả nhãn của Việt Nam để dễ dàng tiêu thụ. Theo ông Nam, tình trạng hàng ngoại giả hàng nội có xu hướng gia tăng, trải nhiều ở nhóm ngành hàng. Để qua mặt người tiêu dùng, thậm chí chúng còn đặt làm hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu Việt Nam ở nước ngoài rồi đưa về thị trường trong nước tiêu thụ. Lý giải điều này, ông Nam cho rằng có sự dung túng, cố tình làm ngơ nên hàng giả mới có thể tiến sâu vào thị trường nội địa. Đầu tháng 10-2013, QLTT tỉnh đã thu giữ hàng trăm bóng đèn nhái nhãn hiệu Rạng Đông, 800 chiếc áo ngực gắn nhãn hiệu Việt Nam nhưng thực chất là hàng Trung Quốc. Điều nguy hiểm hơn cả là hàng giả nhãn hiệu lại được bày bán ở một siêu thị lớn, uy tín tại TP.Thủ Dầu Một… Rõ ràng, các thủ đoạn vận chuyển, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi phức tạp. Theo lý giải của người đứng đầu ngành QLTT, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc kiểm tra, xử lý, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã được tăng cường, nhiều vụ việc có quy mô lớn được lực lượng chức năng phát hiện nhưng xem ra vẫn chưa giải quyết được tệ kinh doanh hàng lậu, hàng giả.

Trước những diễn biến này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm nhận định, Bình Dương dù không phải là địa phương giáp biên giới “nóng” về buôn lậu nhưng cũng là nơi trung chuyển hàng lậu, hàng giả từ thị trường phía Bắc vào TP.HCM, qua Bình Dương và các tỉnh lân cận. Do đó, cơ quan QLTT tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình thị trường, tập trung đối với các mặt hàng có sức tiêu thụ lớn trong dịp cuối năm như rượu, bia, thuốc lá, quần áo may sẵn, đồ chơi trẻ em… Đối với những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

9 tháng đầu năm 2013, lực lượng kiểm tra liên ngành tỉnh đã kiểm tra 2.823 vụ, phát hiện 633 vụ vi phạm, chiếm 22,4% tổng số vụ kiểm tra. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, vi phạm về giá, đăng ký kinh doanh, kế đến là ghi nhãn hàng hóa và các vi phạm khác. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt 647 vụ với tổng số tiền phạt 3,8 tỷ đồng. Ngoài ra, QLTT tỉnh đã chuyển qua cơ quan công an xem xét khởi tố hình sự 4 vụ sản xuất hàng giả, hàng cấm.

 

TRÚC QUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên