Kinh tế Việt Nam: Ưu tiên số một vẫn là bình ổn giá

Cập nhật: 04-03-2013 | 00:00:00

Ngày 4-3, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC đã công bố bản báo cáo về Kinh tế vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 3-2013.

Báo cáo này một lần nữa nhấn mạnh ưu tiên số 1 của chính phủ Việt Nam hiện nay vẫn là việc giữ ổn định thị trường, giá cả để đảm bảo lạm phát không quay trở lại.

Thách thức lạm phát

"Chúng tôi tin rằng thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là việc lạm phát quay lại nếu Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ các lĩnh vực yếu kém," báo cáo của HSBC chỉ ra.

  Ảnh minh họa. Theo phân tích của các chuyên gia đến từ HSBC, lạm phát tháng 2-2013 cho thấy giá cả đã được kiềm chế, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 7,1% trong tháng 1-2013. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 2 tương tự như tháng 1 vẫn ở mức cao 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ rằng một hành vi tiêu dùng thận trọng hơn đã làm giảm giá thực phẩm sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán.

Mặt khác, các chuyên gia HSBC cũng cho rằng, sau một năm 2012 đầy khó khăn, nền kinh tế đã khởi đầu với một nền tảng tốt đẹp hơn. Nhưng điều này không có nghĩa Việt Nam đang quay trở lại với guồng phát triển như trước đây. Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn đang ở trạng thái âm (-) 0,16%. Điều này phản ảnh vấn đề nợ xấu đáng kể vẫn đang tiếp tục làm suy giảm nhu cầu trong nước.

"Nếu Chính phủ không đề ra một kế hoạch chi tiết để đối phó với vấn đề nợ xấu, chúng tôi cho rằng người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì thái độ phòng thủ đối với việc chi tiêu và đầu tư," báo cáo dẫn lời các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng 2 dưới ngưỡng không thay đổi 50 điểm đã biểu thị cả nhu cầu nội địa "lờ đờ" và môi trường bên ngoài vẫn còn yếu. Trong khi số lượng hàng mua đã tăng ở hai tháng trước thì việc chỉ số phụ này giảm sút trong tháng 2 cho thấy các nhà sản xuất vẫn đang cẩn trọng trong việc không để tồn kho quá mức.

Thêm nữa, khối lượng tồn kho thành phẩm vẫn nằm trong ngưỡng giảm vài tháng gần đây. Ngay cả chỉ số nhân công lao động vốn khả quan trong bốn tháng qua do các kế hoạch mở rộng đang triển khai mặt dù sản lượng giảm cũng đã giảm trong tháng này.

Điều đáng chú ý nhất là giá cả xuất xưởng đã tăng, phản ảnh các nhà sản xuất sẽ bị hạn chế cơ hội tận dụng các biện pháp giảm giá nhằm kích nhu cầu do chi phí đầu vào gia tăng. Điều này có nghĩa rằng trừ khi chi phí đầu vào giảm, các nhà sản xuất sẽ khó có khả năng tăng doanh số trừ khi cả nhu cầu trong nước và ngoài nước đều phục hồi. 

Đề án tái cơ cấu: Quan trọng là thực thi

Bên cạnh thách thức lạm phát, báo cáo của HSBC cũng đã đưa ra những nhận định về Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2013-2020 mà chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt.

Theo đó, báo cáo cho rằng việc đề án này chú trọng tới việc tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư công, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước "là tích cực theo nghĩa chứng tỏ Chính phủ nhận thức rõ những thách thức cơ bản mà nền kinh tế đang phải đối mặt."

Thế nhưng, báo cáo cũng nhấn mạnh đến khía cạnh thực thi cụ thể của đề án. Dẫn chứng, báo cáo phân tích: Liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chính phủ nhắm tới việc xác định và tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước chuyên tập trung đến ngành công nghiệp quân đội, các ngành công nghiệp độc quyền, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ chính yếu và công nghệ tiên tiến; tăng cường cổ phần hóa và đa dạng hóa các doanh nghiệp Nhà nước nơi sở hữu Nhà nước 100% vốn là không cần thiết...

"Tuy nhiên, về tổng thể, chúng tôi tin rằng Việt Nam đang thật sự đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc xây dựng nền tảng cho nhiều cải cách hơn nữa. Hạn chế bớt hỗ trợ cho các doanh nghiệp thiếu hiệu quả trong những năm gần đây là một ví dụ. Sự ổn định của lạm phát và nhiều chỉ số kinh tế quan trọng như cán cân thương mại và dự trữ ngoại tệ là những ví dụ khác. Chính vì vậy, khi xem xét tiến bộ của Việt Nam, bằng chứng về các thành tích đã đạt được và những cam kết được đề ra quan trọng hơn là những lời hứa," báo cáo nhận định.

Báo cáo của HSBC cũng khẳng định tăng trưởng sụt giảm là điều không mong muốn trong thời gian ngắn hạn, nhưng sự ưu tiên và cam kết của chính phủ về một mô hình phát triển bền vững hơn được xem là một tiến trình tích cực.

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại 1,7 tỷ đô la Mỹ nhờ vào xuất khẩu mặt hàng dệt may và sản xuất đang dần phục hồi. "Vào năm 2013, chúng tôi kỳ vọng những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa tăng trưởng GDP đạt mức 5,5%," báo cáo nhấn mạnh.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=175
Quay lên trên