Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, giá xăng liên tục tăng trong thời gian qua đã và đang ảnh hưởng tới nhiều ngành, đặc biệt là NTD. Theo tính toán của các DN sản xuất, giá xăng dầu chiếm từ 3 - 5% chi phí giá thành sản phẩm, nên giá xăng tăng sẽ tác động ít nhiều đến giá thành sản phẩm. Đối với các DN sản xuất những mặt hàng cần vận chuyển nhiều nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép, chi phí vận chuyển sẽ đè nặng lên giá thành và sản phẩm DN làm ra sẽ khó cạnh tranh với hàng hóa cùng loại nhập khẩu. Riêng DN vận tải, chi phí xăng dầu chiếm tới 45% trên tổng chi phí thì việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động nhanh và mạnh đến lĩnh vực này. Giá vận chuyển tăng đồng nghĩa giá hàng hóa đến tay NTD tăng và chính NTD là đối tượng cuối cùng phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá xăng dầu!
Về mặt quản lý vĩ mô, theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý giá Nhà nước cần phải xem xét lại việc tăng giá xăng dầu, bởi một khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến mặt bằng giá cả, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường trong những tháng cuối năm. Nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 1,38%, bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm và thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, nhưng đừng vì thế mà lạc quan bởi vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Cùng với giá các mặt hàng phục vụ học tập năm học mới, giá viện phí đang được nhiều tỉnh, thành điều chỉnh theo hướng tăng, nếu không kịp thời kiềm chế giá xăng dầu thì đây sẽ là nguyên nhân làm khởi phát lạm phát trở lại trong thời gian tới.
Trong khi đó, cách vận hành giá xăng dầu trong nước hiện vẫn chưa theo quy luật thị trường. Mặc dù ủng hộ quan điểm điều hành xăng dầu trong nước theo giá thế giới, nhưng nếu vẫn áp dụng mức giá của bình quân 30 ngày như hiện nay thì không phải là cơ chế thị trường. Chính vì cách vận hành này nên mới có chuyện giá xăng dầu thế giới đang xuống thì trong nước lại lên! Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính nên cắt giảm thuế xăng dầu, đồng thời yêu cầu DN kinh doanh xăng dầu trong nước ngưng trích vào quỹ bình ổn giá xăng khi có biến động để chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN và NTD. Đây cũng là cách để kìm hãm tăng giá các mặt hàng thiết yếu, giữ vững mức lạm phát như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
LÊ QUANG