Loay hoay với sáng kiến kinh nghiệm

Cập nhật: 07-04-2014 | 00:00:00

Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) là tiêu chí quan trọng trong việc xét danh hiệu nhà giáo và chiến sĩ thi đua các cấp. Nhưng làm sao để SKKN là những công trình nghiên cứu giàu tính thực tiễn và để SKKN trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên (GV) chứ không phải là việc làm mang tính bắt buộc, đối phó... vẫn còn là câu hỏi khó.

Một GV dạy văn sắp về hưu ở Dĩ An tâm sự: “Mấy chục năm giảng dạy, tôi nhận thấy chuyện viết SKKN hiện nay vẫn còn mang tính đối phó, hình thức quá. Để được danh hiệu này kia, GV phải chạy đua đăng ký làm SKKN. Từ đó, tình trạng sao chép, vay mượn là điều không tránh khỏi. Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận công sức của những người làm việc, nghiên cứu nghiêm túc”.

Theo như quy định của ngành giáo dục, để đạt danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân hay chiến sĩ thi đua các cấp, bản thân mỗi GV ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, phải có SKKN và SKKN đó phải được hội đồng đánh giá loại A hoặc B. Việc chấm SKKN cũng có thang điểm dựa theo tiêu chí của một công trình khoa học do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định. Như vậy, ai cũng dễ nhận thấy, quy định trên nhằm hướng tới một mục đích tốt đẹp là tạo môi trường thuận lợi để GV có sự phấn đấu, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học. Đồng thời, những GV có SKKN được xét duyệt sẽ có điều kiện chia sẻ với đồng nghiệp, nhân rộng mô hình.

Thế nhưng, những SKKN được làm ra hàng năm đều chưa có sự đổi mới nhiều. Phần lớn, SKKN chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ hay vẫn là những SKKN được lặp đi, lặp lại, nội dung và hình thức khi thì “vay mượn”, lúc lại hời hợt, qua loa… Thậm chí có người lấy ý tưởng của người khác hoặc sử dụng công trình của người khác rồi thay đổi tên công trình, đưa tư liệu, số liệu của mình vào...

Trên thực tế, những quy định về SKKN của ngành không có gì là hình thức cả. Chỉ có cách làm, cách triển khai ở một số nơi, một số người vẫn còn mang tính hình thức, qua loa. Áp dụng những SKKN trong giảng dạy cũng là một chủ trương đúng đắn và tích cực của ngành giáo dục. Hiện nay, vẫn còn một bộ phận GV ở các trường vẫn còn thiếu tính sáng tạo, dựa dẫm, phụ thuộc vào những SKKN của người khác. Không ít người vẫn ngại thay đổi, ngại tìm tòi khám phá nên ngày càng trì trệ. Mặt khác, đồng lương hạn hẹp, một số GV phải làm thêm để lo thu nhập, không còn thời gian đầu tư sâu cho những SKKN của mình…

Có thể nói, chất lượng đội ngũ GV chính là mắt xích quan trọng nhất trong quá trình “đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao, chất lượng bền vững”. Vì vậy, khi GV tâm huyết, tích cực và có quyết tâm thay đổi thì sẽ tìm tòi, sáng tạo ra những SKKN đột phá và có phương pháp giảng dạy phù hợp đến học sinh, từ đó tạo ra chất lượng cao trong dạy và học

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=342
Quay lên trên
X