Lợi thế trước một chuyến đi

Cập nhật: 07-04-2013 | 00:00:00

Chuyến công du châu Á đầu tiên của ông John Kerry trên cương vị ngoại trưởng Mỹ bắt đầu vào tuần tới giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao. Các nhà phân tích cho rằng Mỹ tận dụng mọi cơ hội ngoại giao nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cho dù các biện pháp quân sự đã được tăng cường.

  Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: VNE).Rõ ràng không ngẫu nhiên ông John Kerry chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên. Washington rất hài lòng sau khi Trung Quốc bất ngờ bỏ phiếu thuận tại Hội đồng Bảo an LHQ siết chặt cấm vận CHDCND Triều Tiên. Nhiều tờ báo của Mỹ cho rằng Trung Quốc đã mất kiên nhẫn với Triều Tiên và ban lãnh đạo mới của Trung Quốc không muốn sự ủng hộ của họ với Bình Nhưỡng gây thêm căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung. Đó có thể giải thích nguyên nhân vì sao Trung Quốc không hề phản đối gay gắt việc Mỹ “động binh” ào ạt trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ hiểu rõ thực chất, chuyện Trung Quốc quay lưng lại hoàn toàn với Triều Tiên là điều khó xảy ra vì về mặt chiến lược, Triều Tiên vẫn là vùng đệm an toàn của Trung Quốc chống lại các mối đe dọa từ Mỹ và đồng minh. Thế nhưng Mỹ muốn tận dụng cơ hội hiện nay để đẩy Triều Tiên rời càng xa Trung Quốc càng tốt và thông qua Trung Quốc để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân.

Sau Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Hàn Quốc mà mục đích cao nhất không gì hơn là trấn an đồng minh trước những lời đe dọa tung ra hàng ngày của người láng giềng phương Bắc. Hàng loạt các cuộc tập trận chung, triển khai máy bay ném bom B-52, máy bay tàng hình B-2 và nhiều tàu chiến và tàu chống tên lửa dường như chưa thể làm an tâm lãnh đạo Hàn Quốc. Ông Kerry sẽ phải động viên tinh thần binh sĩ Hàn Quốc và binh sĩ Mỹ vì rất có thể họ là những người hứng chịu những cuộc tấn công đầu tiên từ Triều Tiên. Phát biểu với CNN trước chuyến thăm châu Á, Ngoại trưởng Mỹ phát biểu đầy tính răn đe với Triều Tiên: “Tôi xin tái khẳng định rằng Mỹ sẽ làm những gì cần thiết để tự bảo vệ mình và bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ và có khả năng làm điều đó và tôi nghĩ rằng Triều Tiên nên hiểu điều đó”.

Nếu như Hàn Quốc không muốn căng thẳng với dân tộc anh em thì trường hợp Nhật Bản lại khác. Nhật Bản có thể không lo ngại về khả năng tấn công từ Triều Tiên bằng lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn căng thẳng Nhật Bản-Trung Quốc xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc Mỹ tăng cường quân và vũ khí đến bán đảo Triều Tiên ít nhiều giúp Nhật Bản cảm thấy yên tâm hơn. Cũng chính vì tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và căng thẳng với Trung Quốc, dư luận Nhật Bản giờ đây đã giảm bớt chống đối sự hiện diện của các căn cứ Mỹ tại Okinawa. Ông John Kerry tới Nhật Bản trong bối cảnh hai nước vừa đạt thỏa thuận theo đó Mỹ sẽ ở lại các căn cứ quân sự ở Okinawa mà không phải di chuyển đi nơi khác. Mặt khác, Mỹ ở lại Okinawa càng củng cố thêm chính sách chuyển trọng tâm quân sự sang châu Á của Tổng thống Barack Obama.

Chuyến thăm châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xem ra nhiều thuận lợi hơn người tiền nhiệm Hillary Clinton. Thật bất ngờ, một trong những yếu tố mang lại lợi thế này lại chính từ vấn đề Triều Tiên - đồng minh của Trung Quốc và những căng thẳng lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên