Nâng chất cho hạt gạo

Cập nhật: 24-04-2015 | 07:57:36

Từ một nước thiếu lương thực trầm trọng, Việt Nam vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, gần đây xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thương trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, số lượng dù có tăng nhưng giá trị mang về thì ngược lại.

 Các công ty xuất khẩu gạo cho biết, giá gạo của Việt Nam hiện đã xuống mức thấp nhất so với các nước xuất khẩu chính trên thế giới. Các năm trước đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 40 - 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta nhưng khi nước này chưa “mở cửa” cho gạo Việt Nam thì việc tiêu thụ đã gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên gốc rễ của vấn đề lại là do hạt gạo của Việt Nam không có thương hiệu, chất lượng thấp. Lâu nay việc phát triển lúa gạo ở nhiều địa phương phần lớn vẫn chú trọng về số lượng hơn là chất lượng. Ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long có tới hơn 90% sản lượng lúa do nông dân bán cho thương lái, sau đó các doanh nghiệp thu mua gạo lại qua thương lái, vì thế rất khó để kiểm soát được chất lượng. Đây là nguyên nhân làm cho chất lượng gạo không bảo đảm.

Vì vậy, một trong những vấn đề mang tính đột phá là phải thay đổi tư duy tiếp cận thị trường. Nếu như lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ quen mua gạo từ thương lái, thì tới đây sẽ chuyển sang phương thức tiếp cận mới là mua lúa. Một khi các doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu, nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường; sau đó doanh nghiệp thu mua lúa sẽ kiểm soát được chất lượng đầu vào, đồng thời là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu, nâng giá trị cho hạt gạo Việt Nam…

Cũng vấn đề liên quan đến hạt gạo, hôm qua (23-4), ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội, trong buổi tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bắc Giang đã thẳng thắn nói, một đất nước xuất khẩu 7 triệu tấn gạo mà nhiều nơi người dân vẫn không đủ gạo ăn là không hợp lý. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nông nghiệp Việt Nam năng suất cao, nhiều mặt hàng nông sản tốt nhưng thu nhập thấp. Nguyên nhân là do phương thức sản xuất vẫn lạc hậu, chủ yếu là sản xuất theo hộ, chưa có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Từng hộ sản xuất thì không thể có sản phẩm thương hiệu, không thể tạo nên giá trị gia tăng trong nông nghiệp, chưa thể tạo ra thu nhập cao.

Việt Nam là một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng tại sao nông dân trực tiếp làm ra hạt lúa vẫn còn nghèo, đời sống còn khó khăn. Đây thật sự là câu hỏi ray rứt tồn tại nhiều năm qua. Đã đến lúc cần bắt tay thực hiện các giải pháp để nâng giá trị cho hạt gạo, góp phần tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên