Rạng sáng qua (13-8, theo giờ Việt Nam), VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên (ảnh) đã làm ngất ngây lẫn xúc động tự hào khi kình ngư 18 tuổi này tỏa sáng trên đường bơi xanh để mang về chiếc huy chương bạc (HCB) nội dung 400m hỗn hợp nữ, Cúp bơi lội thế giới vừa kết thúc tại Moscow (Nga). Từ chiến tích của Ánh Viên - người đầu tiên trong lịch sử giành huy chương cấp thế giới cho bơi lội Việt Nam - không chỉ làm thay đổi suy nghĩ mà còn là chiến lược đầu tư thể thao của các địa phương và nhất là tầm vĩ mô cấp quốc gia…
Xem lại nhiều lần đoạn video chung kết 400m hỗn hợp nữ mà VĐV Ánh Viên thi đấu và giành HCB, đa số người hâm mộ đều thán phục trước nỗ lực tuyệt vời của cô gái Cần Thơ. Ánh Viên xuất phát quá tốt và dẫn đầu đường đua trong 100m đầu tiên, có lúc bỏ xa VĐV vô địch thế giới nội dung này là Katinka Hosszu đến gần 1 giây. Tuy nhiên, “Quý bà Thép” Katinka của Hungary đã vượt qua Ánh Viên trong 300m còn lại và về nhất, giành HCV với thành tích 4 phút 36 giây 25, trong khi thành tích của Ánh Viên là 4 phút 40 giây 79. VĐV về hạng 3 nội dung này là Lara (Pháp, 4 phút 41 giây 54).
Tiếc cho Ánh Viên khi kình ngư này có phần hơi đuối trước nhà vô địch thế giới ở 200m cuối, vốn là nội dung sở trường của cô gái Cần Thơ. Tuy nhiên, việc Ánh Viên chưa thể đánh bại được Katinka trong thời điểm này là hết sức bình thường. Bởi, Katinka là một tượng đài của bơi lội châu Âu và thế giới khi thống trị các cự li ngắn (100m, 200m) và trung bình (400m) với 11 chiếc HCV thế giới, 13 HCV châu Âu suốt từ 2009 đến nay. Nhìn lại quãng đường trải qua của Katinka thì VĐV 26 tuổi (SN 1989) này của Hungary có chuỗi phát triển chưa thể tốt bằng với Ánh Viên. Mãi đến năm 20 tuổi Katinka mới giành được chiếc HCB thế giới đầu tiên trong sự nghiệp, trong khi Ánh Viên giành HCĐ thế giới đầu tiên cho Việt Nam lúc 18 tuổi, cách đây 3 ngày và vào rạng sáng qua thì kình ngư sông nước Cần Thơ đã có HCB!
Như vậy, không chỉ tỏa sáng sớm hơn Katinka mà Ánh Viên còn có chiều cao tốt hơn (1m73 so với 1m70), sải tay dài hơn (cực kỳ quan trọng) và còn nhiều thời gian và cơ hội để soán ngôi của đối thủ. Chúng ta có quyền tin là với đà thăng tiến về chuyên môn, nghị lực tuyệt vời, công nghệ đào tạo, huấn luyện hết sức khoa học của Mỹ, cộng với tố chất thiên phú của Ánh Viên, trong tương lai gần sắp tới cô gái Cần Thơ sẽ trở thành nhà vô địch thế giới.
Từ kỳ tích của Ánh Viên với những chiến công giành 8 HCV SEA Games, liên tiếp gặt HCĐ rồi HCB giải Cúp bơi lội thế giới, lãnh đạo ngành thể thao các địa phương đã tự tin, quyết đoán hơn trong việc đầu tư vào bơi lội - môn thể thao có số lượng huy chương nhiều thứ hai tại các kỳ đại hội từ đại hội TDTT toàn quốc cho đến SEA Games, Asiad, Olympic (với hơn 40 bộ huy chương). Rất dễ tìm kiếm tài năng trẻ bơi lội tại các tỉnh, thành phía Nam vốn có điều kiện tuyệt vời để phát triển môn thể thao này. Ngoài yếu tố con người thì quan trọng vẫn là quyết sách hay chiến lược đúng hướng, chuẩn xác, có chiều sâu từ các nhà hoạch định, quản lý thể thao của địa phương và Tổng cục TDTT. Tính ra tổng số tiền đầu tư cho Ánh Viên từ năm 12 tuổi đến giờ vẫn chưa bằng 1/10 kinh phí để nuôi một đội bóng thi đấu ở giải VĐQG V-League. Đã đến lúc thể thao Bình Dương và thể thao nước nhà cần chung sức, mạnh dạn đầu tư để có thêm nhiều phiên bản Ánh Viên không chỉ ở môn bơi mà còn các môn, lĩnh vực khác!
CHÍ THANH