Để tên đường và tên công trình công cộng được sử dụng ổn định lâu dài, tạo sự đồng thuận của xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị góp ý về tiêu chí, nhóm đường và danh mục tên để đặt, đổi tên đường (ĐĐTĐ) và công trình công cộng (CTCC) trên địa bàn tỉnh. Hội nghị diễn ra với nhiều ý kiến đóng góp về các tên trong ngân hàng tên để đặt tên đường và CTCC.
Ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.HIẾU
Là một trong những tỉnh có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển nên Bình Dương đã tạo nhiều ấn tượng đẹp với bè bạn khắp nơi về hệ thống đường sá hiện đại, thoáng đãng, mang tính kết nối cao trong nội đô và với các địa phương xung quanh. Tuy nhiên, thời gian qua, việc ĐĐTĐ và CTCC trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Nhiều tuyến đường trùng tên, chưa được đặt tên, hoặc chưa phù hợp với tên của các danh nhân. Một số địa phương chưa thống nhất trong việc đặt tên đường đối với các tuyến đường đi qua nhiều địa phương. Vì vậy, Hội nghị góp ý tiêu chí, nhóm đường và danh mục tên để ĐĐTĐ và CTCC trên địa bàn tỉnh đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, nhà quản lý Nhà nước ở Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh.
Ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết về tiêu chí, nguyên tắc đặt nhóm đường, trong dự thảo, có một số nguyên tắc cơ bản, tiêu chí, căn cứ vào quy mô, kích thước của con đường đã phân ra làm 4 nhóm đường. Về phân loại nhóm tên nhân vật, sự kiện lịch sử, căn cứ vào tầm vóc lịch sử, những cống hiến, đóng góp của nhân vật lịch sử cho đất nước, cho dân tộc, cho địa phương, tầm vóc của các sự kiện lịch sử, dự thảo đã đưa ra 4 nhóm tên để đặt cho các con đường. 4 nhóm tên này trùng với 4 nhóm đường. Như vậy, sau khi thống nhất thì khi cần đặt tên đường sẽ lấy tên ở nhóm 1 đặt cho đường nhóm 1. Về tên gọi, tiểu sử của nhân vật, sau khi nắm bắt một số tiểu sử và đưa ra một số tên gọi thì có nhiều nhân vật lịch sử có nhiều tên gọi thì hội nghị cũng đã thảo luận nên đưa tên nào cho phù hợp. Ví dụ, nên đặt tên đường là Trần Hưng Đạo hay Trần Quốc Tuấn, Lê Đại Hành hay Lê Hoàn, Mai Thúc Loan hay Mai Hắc Đế…
Đối với dự thảo về 8 nguyên tắc chung, 7 tiêu chí tên đường, phân loại nhóm đường, phân loại nhóm tên, danh mục tên để ĐĐTĐ và CTCC, các đại biểu đã thảo luận góp ý thẳng thắn và đề xuất nhiều ý tưởng để hoàn thiện dự thảo. Cụ thể như những tiêu chí, nguyên tắc này cơ bản là phù hợp nhưng cần chỉnh sửa để tên đường và CTCC trên địa bàn tỉnh bảo đảm 4 tiêu chí: Tính lịch sử, truyền thống; tính giáo dục; tính tiêu biểu, phổ biến; tính hệ thống. Ngoài ra, trong các nguyên tắc chung thì cần điều chỉnh nguyên tắc số 4 về “Không đổi tên đường và CTCC đã có tên gọi quen thuộc, gắn bó với lịch sử - văn hóa của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Trường hợp đường và CTCC đã có tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng và tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng”. Ngoài ra, các đại biểu dự hội nghị cũng đã đề xuất thêm một số tên nhân vật, sự kiện lịch sử, đưa thêm tên các mẹ Việt Nam anh hùng ở Bình Dương vào ngân hàng tên đường của tỉnh.
Ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các đại biểu. Qua đó, tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến có tính nhất trí cao của các đại biểu trong hội nghị, chỉnh sửa trong dự thảo về một số nguyên tắc, tiêu chí. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu thêm về các ý kiến chưa thống nhất như thêm hoặc bớt tên các danh nhân, nhân vật lịch sử, cách ghi chú, phân loại, sắp xếp thứ tự tên trong danh mục ngân hàng tên đường của tỉnh… Đối với những đường đã có tên thì chỉ đổi tên đối với những đường thật sự cần thiết, tránh làm phiền đến người dân. Ông Phước yêu cầu Sở VH-TT&DL và Hội đồng tư vấn ĐĐTĐ và CTCC chuẩn bị thủ tục về pháp lý, hoàn chỉnh văn bản để sớm trình UBND tỉnh ban hành quyết định triển khai thực hiện. Vì việc ĐĐTĐ và CTCC hợp lý không chỉ đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước, quản lý hành chính, giao dịch dân sự mà còn tăng cường giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho mỗi người dân, đồng thời ghi lại những dấu ấn lịch sử - văn hóa giàu bản sắc của một tỉnh năng động đang vững bước trên con đường hướng tới hiện đại, văn minh, giàu đẹp.
- Nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương: Tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương rất nhanh, nhiều đường mới mở ra, nhưng nhiều đường mang tên của các nhân vật lịch sử chưa xứng tầm. Tuy nhiên, việc ĐĐTĐ và CTCC phải mang màu sắc của Bình Dương với tỷ lệ phù hợp, hài hòa. Nên chọn tên của các mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, tên của các anh hùng lực lượng vũ trang tiêu biểu, các nhà văn, nhạc sĩ tiêu biểu. Trong đó, tôi xin đề xuất thêm tên của nhà văn Bình Nguyên Lộc (nguyên quán ở Tân Uyên, có ngàn truyện ngắn hay được nhiều luận án tiến sĩ tìm tòi nghiên cứu), tướng Nguyễn Bình (nguyên quán ở Chiến khu Đ, là thủ trưởng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ), nhạc sĩ Lê Trần là tác giả của bài “Quốc dân tiến” cổ vũ cho phong trào đấu tranh ở Nam bộ.
- Tiến sĩ Lê Hữu Phước (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM): Các nguyên tắc chung trong dự thảo đã tuân thủ đúng quy định và khá hợp lý. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về nguyên tắc số 4. Vì có một số tên nhân vật trước đây xã hội đánh giá khác, nay đã có những nhận thức mới nên nhân dịp này cần thay đổi. Về danh mục tên nhân vật được sắp xếp trong các nhóm cần theo thứ tự A-B-C. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần xem xét kỹ về các công lao, sự nghiệp, tầm ảnh hưởng của các nhân vật trong lịch sử để cân nhắc điều chỉnh tên các nhân vật trong các nhóm cho hợp lý hơn.
- Đại tá, PGS Hồ Sơn Đài: Bình Dương cần lưu ý khi chọn các tên trong nhóm đặt cho đường cụ thể sao cho thật hệ thống và có ý nghĩa. Đối với những con đường rộng bao nhiêu nên chọn nhóm mấy, đường có tính chất, vị trí như thế nào thì nên chọn tên như thế nào. Ví dụ: Đường đi qua nhiều trường đại học nên chọn đặt theo tên nhân vật nổi tiếng về giáo dục, đường đi qua các cơ quan quân sự thì nên đặt theo tên của các vị tướng của Bình Dương như thi tướng Huỳnh Văn Nghệ hay tướng Nguyễn Bình (thủ trưởng của Huỳnh Văn Nghệ).
MINH HIẾU