Nhộn nhịp heo đất đón tết

Cập nhật: 21-01-2014 | 00:00:00

 Từ lâu, Bình Dương đã nổi tiếng với nghề làm heo đất, nhưng tập trung chủ yếu ở TX.Thuận An; thị trấn Tân Phước Khánh và xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên. Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề heo đất vẫn đứng vững cùng những cách làm “cách tân” từ mẫu mã đến chất liệu. Những ngày cuối năm, những chú heo đất đủ sắc màu, mẫu mã tỏa đi khắp nơi như báo hiệu một mùa xuân mới đang về.

Nghệ nhân sơn, tô, vẽ cho heo

Đến với một số địa phương ở TX.Thuận An, huyện Tân Uyên dịp cuối năm, những chú heo đất đủ màu sắc được bày bán, phơi khô khắp các con đường, báo hiệu một mùa thu hoạch heo đất. Ghé một xưởng làm heo đất tại thị trấn Tân Phước Khánh (Tân Uyên), hàng chục người thợ nam hăng say trộn đất, đổ khuôn, sắp heo vào lò. Một nhóm thợ nữ miệt mài phơi, sơn, vẽ cho chú heo thêm sinh động, lạ mắt. Trên những tuyến đường chính, các chuyến xe chở “đàn heo” đi khắp các tỉnh, báo hiệu sự “trở lại” của heo đất Bình Dương. Nhìn cảnh mua bán nhộn nhịp, khởi sắc, ít ai biết rằng nghề làm heo đất Bình Dương đã từng bị “lãng quên”. Cũng từ những khó khăn về đầu ra, thiếu nguyên liệu, quy hoạch khu đô thị… nghề làm heo đất bị thu hẹp, heo thô được sản xuất tại huyện Tân Uyên, TX.Thuận An chủ yếu là các cơ sở sơn heo, vựa trữ heo xuất đi các tỉnh. Bà Nghiệm ở phường Lái Thiêu (TX.Thuận An), hào hứng: “Mặc dù chỉ mua heo thô về sơn nhưng giá thành ổn định, đời sống gia đình cũng tạm ổn. Năm nay, khách đặt hàng nhiều hơn mấy năm trước. Thỉnh thoảng lại có những đoàn khách đến tham quan, đặt hàng. So với những năm trước, mùa “heo tết” năm nay khởi sắc hơn nhiều”.

Hơn chục năm trước, heo đất Bình Dương với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt đã “bay cao, bay xa” đến các tỉnh, thành trong cả nước, xuất khẩu ra nước ngoài. Do thời buổi kinh tế suy thoái, cộng với việc xuất hiện heo nhựa, heo đất dần mất chỗ đứng. Với mong muốn khôi phục làng nghề, nhiều hộ đã “bám trụ” lấy nghề. Để tồn tại, người dân làng nghề phải từng bước “cách tân” từ mẫu mã cho tới nguyên liệu. Gia đình ông Lưu Văn Thành, khu phố Đông Nhì II, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An là một điển hình trong việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống sản xuất heo đất thủ công. Dù thu nhập từ heo đất không nhiều nhưng vợ chồng ông quyết không bỏ nghề. Để sống được trên thương trường, ông đã nghĩ ra nhiều mẫu heo đất đủ màu sắc, kích thước. Với mô hình sản xuất khép kín từ khâu đổ khuôn đến ra thành phẩm, mỗi năm gia đình ông xuất xưởng gần 400.000 con, với gần 20 mẫu như: heo quay (tên heo đất do chủ đặt), vịt, cá vàng, Doremon, thiên nga, bồ câu... Tết Giáp Ngọ 2014, ông đã chuẩn bị gần 3.000 con heo quay, 2.000 cá vàng để tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, ông còn xuất khẩu 2.000 heo đất sang Thái Lan. “Nghề làm heo đất đã gắn bó với gia đình tôi gần 40 năm, giúp chúng tôi có cái ăn cái mặc. Bởi vậy, chúng tôi không muốn từ bỏ nghề mà cố gắng tìm cách phát huy. Heo đất nếu biết thay đổi kiểu dáng cho bắt mắt có thể vừa làm quỹ tiết kiệm lại vừa là đồ trang trí, sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường. Do vậy, gia đình tôi quyết tâm cải tổ hình dáng heo đất, hay làm những con linh vật theo từng năm, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng”, ông Thành tâm sự.

Song song mặt hàng heo đất truyền thống, người dân còn làm heo bằng gỗ như ở phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một), với giá thành hợp lý, có thể sử dụng được lâu dài. Tìm được thị trường tiêu thụ, tiếng lành đồn xa, khách hàng từ khắp nơi tìm đến đặt hàng. Nhiều hộ làm heo đất xưa đã quay lại với nghề. Hiện nay, những hộ làm heo đất ở phường Lái Thiêu (TX.Thuận An), thị trấn Tân Phước Khánh (Tân Uyên) đã thật sự có cuộc sống ổn định, khấm khá.

ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên