Nỗ lực đạt mục tiêu phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi

Cập nhật: 03-12-2012 | 00:00:00

Cùng chung sức và nỗ lực

 Đầu năm 2011, khi bắt đầu thực hiện đề án PCGDMNTNT, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã nhận được sự chung sức đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể. Ở từng địa phương, trẻ 5 tuổi được rà soát, cập nhật thường xuyên để vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường. Điểm nổi bật của Bình Dương so với các nơi khác là tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Các địa phương đã dành quỹ đất hợp lý để xây dựng mới trường mầm non. Giai đoạn 2011-2015 tỉnh đầu tư 1.185 tỷ đồng để xây dựng 31 công trình trường; xây dựng mới thay thế 36 công trình với 1.232 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp hàng trăm phòng học. Có thể nói, trường học đã phủ khắp các địa phương trong tỉnh, những xã vùng xa của tỉnh cũng có nhiều ngôi trường mẫu giáo khang trang, tạo thêm diện mạo mới cho các vùng quê. Trường lớp được mở mang, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị phục vụ giảng dạy chương trình giáo dục mầm non mới được bổ sung, phục vụ các hoạt động giáo dục cho trẻ.   Giáo viên tích cực chuẩn bị kiến thức cho trẻ vào lớp 1

Bà Nguyễn Thị Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, phục vụ cho đề án PCGDMNTNT ngành quan tâm phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non. Chỉ riêng giáo viên mầm non có 99,46% đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn là 43,38%. Cùng với đào tạo mới, đào tạo nâng chuẩn, ngành còn thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó đặc biệt quan tâm bồi dưỡng đội ngũ ngoài công lập. Với nỗ lực sớm hoàn thành PCGDMNTNT, tỉnh còn quan tâm ban hành nhiều chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT, trong đó có mầm non. Từ đó, giáo viên an tâm đầu tư cho chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy, tích cực trang bị hàng trang cho trẻ chuẩn bị vào lớp một.

Cần được quan tâm hơn nữa

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN THỊ NGHĨA: Tỉnh quan tâm phát triển trường lớp

Qua tìm hiểu tình hình thực hiện công tác PCGDMNTNT trên địa bàn Bình Dương tôi thấy tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm cho giáo dục, đặc biệt là đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp. Qua khảo sát thực tế, tôi thấy trường mầm non ở Bình Dương khang trang, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao so với các tỉnh, thành. Để đạt mục tiêu PCGDMNTNT, tỉnh cần tiếp tục phát triển trường lớp để đáp ứng yêu cầu học tập của trẻ, phát triển phòng học để giảm sỉ số học sinh nhằm tăng chất lượng; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đủ số lượng và đạt chuẩn; có kế hoạch đào tạo, bố trí nhân viên y tế trường học; tỉnh đã có nhiều chính sách dành cho giáo viên, mong tiếp tục quan tâm hơn nữa để đạt mục tiêu về công tác PCGDMNTNT đã đề ra một cách vững chắc.

Bình Dương có đặc thù số dân nhập cư tăng cao, có địa phương số dân diện này nhiều hơn dân địa phương. Áp lực dân di cư tăng nên khó dự báo số trẻ hàng năm. Điều này đã gây không ít khó khăn cho việc thực hiện công tác này của tỉnh. Các huyện, thị, thành phố như: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An là những địa bàn có số dân nhập cư tăng đến chóng mặt. Bà Đặng Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Thuận An cho hay, địa phương có nhiều khu - cụm công nghiệp, nên số trẻ 5 tuổi tạm trú trên địa bàn TX.Thuận An luôn biến động, do đó công tác điều tra trẻ gặp khó khăn. Trẻ 5 tuổi theo cha mẹ nhưng không được theo dõi tạm trú tại địa phương. Một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến công tác này, như cho trẻ đi học không đều, do phải phụ thuộc vào công việc của cha mẹ.

Để sớm đạt mục tiêu PCGDMNTNT vào năm 2013 (trước 2 năm), hàng loạt công việc đã được tỉnh đưa ra. Hiện nay, trẻ 5 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ ở 29 xã vùng sâu, vùng xa được hưởng chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền bán trú, chính sách này cần được phổ biến công khai, kịp thời đến phụ huynh. UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp các sở, ngành có liên quan triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp mầm non theo kế hoạch được duyệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Giáo viên mầm non vốn vất vả, cần được quan tâm chăm lo nhiều hơn, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương có tỷ lệ trẻ ngoài công lập cao. Bà Sáng còn nói, ngành tiếp tục tạo mọi điều kiện và khuyến khích giáo viên tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; tích cực tạo môi trường thân thiện, an toàn cho trẻ hoạt động.

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=344
Quay lên trên
X