Nơi vinh danh vị tướng tài thời mở cõi

Cập nhật: 13-06-2012 | 00:00:00

Khu mộ Đức ông Trần Thượng Xuyên hiện tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ thị trấn Uyên Hưng theo đường ĐT746 đi khoảng 5km, qua UBND xã Tân Mỹ 50m về phía tay trái ta nhìn thấy khu mộ cổ ngay sát cạnh đường đi. Khu mộ đã được công nhận di tích lịch sử mộ cổ cấp tỉnh vào ngày 4-7-2005. 

Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên đang được tu sửa, xây dựng thêm hạng mục

Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) 1655-1725, là người huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ông là tổng binh 3 châu Cao, Lôi, Liêm dưới triều nhà Minh. Năm 1649 nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh lên thay, nhiều trung thần nhà Minh không thuần phục đòi “phản Thanh phục Minh” nhưng không thành nên Trần Thượng Xuyên đã đem hơn 3.000 quân cùng gia quyến trên 50 chiếc thuyền đến nước ta yết kiến chúa Nguyễn xin làm dân Đại Việt. Ngoài việc đưa dân đi khai hoang lập nghiệp, ông còn tỏ rõ là một vị tướng tài, ông từng giúp chúa Nguyễn dẹp loạn và đánh tan nhiều mưu đồ phản loạn của giặc giã nổi lên trong vùng nhằm bảo đảm sự bình yên cho vùng đất mới của nước Đại Việt.

Khoảng đầu những năm 1690, ông cùng Mai Vạn Long đánh bắt được Nặc Ông Thu, chiếm ba lũy Cầu Nam, Nam Vang, Gò Bích. Năm 1700, ông cùng Nguyễn Hữu Cảnh tiến đánh vua Chân Lạp lần thứ 2, sau trận tiến công này, vùng đất Biên Trấn, Phiên Trấn, Định Tường, Long Hồ, An Giang được sát nhập vào lãnh thổ Đàng trong. Năm 1715, ông lại cùng với Nguyễn Cửu Phú đánh dẹp bọn Nặc Ông Thâm, hạ được thành La Bích. Đến năm 1725, con trai ông là Trần Đại Định nối nghiệp cha phục vụ chúa Nguyễn, được phong đến tước Tổng binh Định Viễn Hầu, chỉ huy cả hai đạo binh Phiên Trấn và Long Môn. Cả ba đời họ Trần (Thượng Xuyên) con là Trần Đại Định và cháu là Trần Lực đều là những tướng tài và được chúa Nguyễn rất trọng dụng. Vì vậy, chúa Nguyễn đã ban đặc ân “Nguyễn Vi Vương, Trần Vi Tướng, Đại Đại Công Thần Bất Tuyệt” tạm dịch là: “Họ Nguyễn làm vua, họ Trần làm tướng, công khanh đời đời không dứt”. Đến thời Minh Mạng và Thiệu Trị, Trần Thượng Xuyên còn được phong là Thượng đẳng thần.

Trần Thượng Xuyên là người có công rất lớn trong công cuộc khai khẩn đất hoang, sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) mà còn có công trong việc lập phố chợ ở Sài Gòn (Chợ Lớn hiện nay). Vùng đất chợ Sài Gòn cũng có một bộ phận người Hoa của nhóm Trần Thượng Xuyên đến đây định cư, khai phá đất hoang và về sau cũng hoạt động thương mại.

Khu mộ cổ Trần Thượng Xuyên hiện nay được bảo quản một cách khá chu đáo. Được sự quan tâm tận tình của các cấp ủy xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên cũng như sự chăm sóc đặc biệt của Ban quý tế đình Tân Lân (Biên Hòa - Đồng Nai). Khu mộ cổ hiện đã được xây tường rào bao quanh, làm cổng mới, làm lại bia phía trước bằng đá hoa cương cũng như xây dựng một ngôi nhà trong khu vực này để cho nhân dân tiện thăm viếng mộ.

PHI LONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên