Nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương: Tiềm năng và lợi thế

Cập nhật: 07-08-2012 | 00:00:00

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong những chương trình lớn của ngành nông nghiệp Bình Dương. Từ thực tế sản xuất cho thấy, Bình Dương có tiềm năng lớn và nhiều lợi thế để phát triển NNCNC.

Tiềm năng lớn

Hiện nay, Bình Dương hình thành được 4 khu NNCNC cao, gồm: Khu NNCNC An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) có diện tích hơn 400 ha; khu NNCNC Tiến Hùng (xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên) có diện tích trên 97 ha; khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao trên địa bàn 2 xã Tân Hiệp, Phước Sang (huyện Phú Giáo) với diện tích trên 470 ha và trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân (huyện Tân Uyên) với diện tích hơn 80 ha. Trong đó, điển hình có thể kể đến khu NNCNC An Thái.  Sản xuất tại khu NNCNC An Thái, huyện Phú Giáo

Khu NNCNC An Thái ứng dụng công nghệ sinh học của Israel vào sản xuất trên phương thức tự động hóa nhằm đạt hiệu quả tối ưu. Toàn bộ diện tích trồng rau sạch, cây ăn quả, dược liệu... tại đây được ứng dựng công nghệ tưới nước và bón phân tự động của Israel và được điều khiển bằng phần mềm quản lý trang trại chuyên nghiệp; có thể điều khiển từ xa bằng internet. Tính đến cuối năm 2011, khu NNCNC An Thái đã phát triển được hơn 80 ha trồng rau quả, cây cảnh, dược liệu; trong đó có nhiều mô hình cho thu nhập vượt trội so với những loại cây trồng khác tại địa phương. Ví dụ mô hình trồng dưa lưới và ớt chuông tại đây cho doanh thu 600 triệu đồng/ha/vụ, lãi 350 triệu đồng/vụ; mô hình trồng cà tím Nhật cho doanh thu 400 triệu đồng/ha/vụ, lãi 250 triệu đồng/vụ... Hầu hết các sản phẩm của khu NNCNC An Thái đã có mặt tại thị trường nội địa thông qua hệ thống siêu thị như Metro, Saigon Co.op, Big C... Ngoài ra, sản phẩm của khu NNCNC An Thái còn được xúc tiến, giới thiệu đến thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngoài các dự án NNCNC, thời gian qua nhiều nông dân Bình Dương cũng đã đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng NNCNC. Có thể nói nông dân đi tiên phong trên lĩnh vực này là ông Nguyễn Văn Đẹp (xã Phú An, huyện Bến Cát). Trên diện tích 2.000m2, ông Đẹp xây dựng nhà lưới kín và sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động cho cây cà chua và dưa leo. Hệ thống bón phân, tưới nước tự động của ông Đẹp có cả máy hẹn giờ, máy đo biên độ phân và độ pH trong nước, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho sản xuất. Mỗi khi cần tưới nước và bón phân, ông Đẹp chỉ cần bật cầu dao điện và hẹn giờ, mọi việc còn lại đều do máy móc tính toán, xử lý. Ứng dụng hệ thống sản xuất tự động này giúp cho các nông sản phẩm mà ông Đẹp làm ra có độ đồng đều cao, bóng đẹp hơn. Do vậy, sản phẩm cà chua và dưa leo ông Đẹp làm ra có chất lượng sạch, an toàn cho người sử dụng.

Tuy chỉ mới dừng lại ở mức thử nghiệm, nhưng có thể thấy mô hình trồng cà chua, dưa leo trong nhà lưới kín, sử dụng hệ thống tưới tự động của ông Đẹp là một mô hình tiềm năng, có khả năng nhân rộng. Thời gian tới, ông Đẹp cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình, nhất là việc khắc phục nhiệt độ trong nhà lưới và trồng thử nghiệm thêm một số loại cây trồng khác như ớt ngọt, rau gia vị.

Lợi thế nhiều

Các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất NNCNC và các chương trình hỗ trợ thiết thực, kịp thời của UBND tỉnh Bình Dương đã tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng các mô hình NNCNC trên địa bàn tỉnh. Thuận lợi lớn là Bình Dương có hạ tầng giao thông phát triển, tạo điều kiện cho việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm tại các khu NNCNC. Bên cạnh đó, việc xuất hiện ngày càng nhiều các nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm đã tạo ra lợi thế cạnh tranh trong khâu tiêu thụ sản phẩm của các khu NNCNC. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết: “Sở dĩ tôi chọn Bình Dương để xây dựng trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao là vì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Bình Dương thích hợp cho việc phát triển chăn nuôi gia cầm công nghệ cao. Ngoài ra, Bình Dương nằm liền kề với TP.Hồ Chí Minh, rất thuận tiện trong việc vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Bên cạnh đó, tôi cũng đã nhận được sự động viên nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh và sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của tỉnh Bình Dương”.

Thực tế cũng đã chứng minh, nông dân Bình Dương rất năng động, ham học hỏi và đặc biệt chú ý đến việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Vì vậy, chủ trương khuyến khích chuyển dần sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã được nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Một trong những chương trình quan trọng của các khu NNCNC trong thời gian tới là xây dựng các “vệ tinh”. Theo đó, các hộ nông dân sẽ là những “vệ tinh” đóng vai trò tổ chức sản xuất trong việc hợp tác với các khu NNCNC trong quá trình sản xuất tiêu thụ hàng hóa. Đây chính là điều kiện hết sức thuận lợi để khơi dậy tiềm năng nông nghiệp của Bình Dương, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập và tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật của nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến.

NNCNC là thuật ngữ không còn xa lạ với nông dân Bình Dương. Từ thực tế sản xuất cho thấy, hiện đã có nhiều nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đã đạt được nhiều thành quả. Để khuyến khích nông dân phát triển NNCNC, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt các dự án NNCNC tại một số địa bàn thuộc huyện Phú Giáo và Tân Uyên. Những khu NNCNC có vai trò hình thành và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho chuỗi “vệ tinh” là các hộ nông dân trên địa bàn. 

 ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên