Phân luồng học sinh THCS vào học nghề: Hướng đi đúng

Cập nhật: 31-10-2018 | 06:07:33

Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh (HS) THCS không đủ điều kiện học tiếp lên THPT, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả khá tích cực.

Học nghề có nhiều cơ hội việc làm

Với cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và giáo viên dạy nghề sau khi sáp nhập, Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (GDTX) hoàn toàn có khả năng đào tạo nghề bậc trung cấp. Hiện nay, các trường cao đẳng, trung cấp chỉ được thành lập đa phần ở một số thành phố, thị xã và HS tốt nghiệp THCS ở độ tuổi 15 rất khó khăn khi phải đi học nghề ở nơi xa nhà. Khi đó, học ở Trung tâm GDNN - GDTX các em vừa học chương trình GDTX cấp THPT, vừa được đào tạo nghề bậc trung cấp. Sau khi hoàn thành chương trình GDTX, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp, có thể được học liên thông lên các cấp học cao hơn hoặc sẽ là lao động có tay nghề làm việc trong các khu công nghiệp ở địa phương.

Đặc biệt, theo chính sách miễn giảm học phí hiện nay, các em tốt nghiệp THCS đi học nghề sẽ được miễn 100% học phí. Qua đó, trung tâm GDNN - GDTX ở các huyện, thị, thành phố sẽ thu hút ngày càng đông HS tốt nghiệp THCS vào học, thay vì số lượng vào học hệ GDTX ở trung tâm rất ít như hiện nay. Thực hiện điều này, việc phân luồng HS sau THCS trên địa bàn huyện sẽ có hiệu quả cao hơn.

Học sinh THCS đến tham quan phòng học thực hành tự động hóa của trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương

Như vậy, với cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và giáo viên dạy nghề sau khi được sáp nhập, trung tâm GDNN - GDTX có đủ khả năng phối hợp với các trường phổ thông ở địa phương không những tuyên truyền, hướng nghiệp, phân luồng HS mà còn phối hợp tổ chức dạy tốt hoạt động giáo dục nghề phổ thông và hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho HS. Mặt khác, thông qua hoạt động giáo dục hướng nghiệp các em sẽ được định hướng để lựa chọn một nghề phù hợp sau khi học xong phổ thông.

Đẩy mạnh tư vấn phân luồng

Theo kế hoạch phân luồng HS sau THCS, Bình Dương phấn đấu mỗi năm có ít nhất 20% HS sau khi tốt nghiệp THCS vào học GDNN. Thực hiện mục tiêu này, ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương đã và đang đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS. Cùng với đó, truyền thông thay đổi nhận thức của xã hội về GDNN, nâng cao vị thế hình tượng của người “Công nhân kỹ thuật” trong xã hội. Đặc biệt, Bình Dương tập trung nâng cao chất lượng GDNN để đáp ứng nhu cầu người học và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Điều này được thể hiện rõ, các cơ sở GDNN trong tỉnh đã có nhiều nội dung, hình thức phối hợp, gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề. Lĩnh vực đào tạo nghề luôn được tỉnh quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hóa; hướng mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu của các doanh nghiệp để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Bên cạnh đó, các trường dạy nghề luôn tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS trong các trường phổ thông, các trung tâm GDTX; tổ chức tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyển sinh ở các huyện, thị, cung cấp đầy đủ các thông tin về các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, cơ hội việc làm, cơ hội học tập để người lao động lựa chọn.

Đặc biệt, sắp tới đây, trung tâm GDNN - GDTX sẽ có diện mạo mới, khi đi vào hoạt động, một mặt thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định theo Thông tư 39; mặt khác góp phần vào việc thực hiện tốt Chỉ thị số: 10-CT/TW của Bộ Chính trị, đó là: “Đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề”. Qua việc hình thành trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện của tỉnh và chính sách miễn giảm học phí của Nhà nước, phụ huynh có thể tham khảo thêm việc cho con em học nghề để chọn tương lai. “HS phân luồng từ lớp 9, tới 18 tuổi thì có thể đi làm tự mưu sinh, hoặc có thể tự lao động kiếm tiền để đi học tiếp đại học, báo hiếu cha mẹ. Học nghề, con cái đi làm sớm, tự lập; cha mẹ đỡ vất vả. Người con hiếu thảo nhất trong giai đoạn này nên chọn cho mình cuộc sống tự lập khi tròn 18 tuổi. Thương cha mẹ chính là tự lo được cuộc sống của bản thân”, một phụ huynh cho biết.

 Theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV, ngày 17-7-2017, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1893/QĐ-UBND về việc tổ chức trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện tỉnh Bình Dương. Theo đó, các trung tâm dạy nghề và trung tâm GDTX - Kỹ thuật hướng nghiệp cấp huyện được hợp nhất thành trung tâm GDNN - GDTX. Theo quy định, trung tâm này sẽ thực hiện 3 chức năng, gồm: Đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; kỹ thuật hướng nghiệp và GDTX. Ngoài chức năng, nhiệm vụ chính của trung tâm GDNN - GDTX, để trung tâm này hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15-12-2017 quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Đây là cơ sở để các trường cao đẳng, trung cấp phối hợp với trung tâm thực hiện liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo nhu cầu nguồn nhân lực của từng địa phương.

 

PHAN THANH HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên