Hôm nay (27-6), MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối chiến lược của Đảng về tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và về vị trí, vai trò của MTTQ trong giai đoạn mới. Nhân dịp này, Báo Bình Dương đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để đánh giá lại những nét nổi bật trong hoạt động của MTTQ nhiệm kỳ qua, những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2019-2024.
Ông Nguyễn Văn Lộc (giữa), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham quan gian hàng Công ty dược Vũ Nhật Nam, TX.Tân Uyên trưng bày tại lễ tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ảnh: XUÂN THI
Trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Thưa ông, ông có thể khái quát lại những nét nổi bật trong hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ 2014-2019?
- Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nhiều mô hình tự quản thiết thực, hiệu quả từ các cộng đồng dân cư. Cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp đã góp phần đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; vị thế quốc tế của tỉnh ngày càng được khẳng định qua hoạt động đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn về chính trị, đối ngoại, kinh tế mang tầm quốc tế; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp cùng các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tập trung vào các lĩnh vực mang tính đột phá và những vấn đề nhân dân quan tâm để tuyên truyền, vận động và tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp đỡ, hỗ trợ nhau giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Từ đó, góp phần tăng cường tính bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên động lực mới để xây dựng lòng tin, sự đồng thuận xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, hiện đại. Tuyệt đại đa số nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu mà tỉnh Bình Dương đạt được trong hơn 22 năm xây dựng và phát triển.
Đặc biệt, 5 chương trình hành động do Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh khóa VIII đề ra đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân thi đua phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp phát động, tổ chức đều gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, phù hợp với tình hình phát triển công nghiệp, đô thị và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo định hướng của Tỉnh ủy. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng rõ hơn về cơ chế và phương thức tổ chức thực hiện.
Đạt được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp ngày càng hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp; sự phối hợp chủ động, tích cực của các tổ chức thành viên; sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong tỉnh; đặc biệt là sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Những điều kiện thuận lợi này cùng những kết quả khả quan của công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua sẽ tạo nên những tiền đề, kinh nghiệm cho công tác Mặt trận của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Hướng về cơ sở
- Thưa ông, bài học kinh nghiệm nào được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh rút ra trong hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua?.
- Từ thực tiễn sinh động của công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: MTTQ Việt Nam các cấp phải luôn đề cao vai trò thành viên nòng cốt của Đảng trong lãnh đạo, định hướng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan, chính quyền cùng cấp để tạo ra cơ chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho hoạt động của Mặt trận. Đây là nhân tố quyết định thành công của công tác Mặt trận. Để phát
huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, Mặt trận phải thực hiện tốt nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên; chủ trì hiệp thương và phân công các thành viên để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. MTTQ Việt Nam các cấp phải thường xuyên sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm trong các hoạt động phong trào, chương trình, đề án của Mặt trận; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình mới, sáng tạo trong cộng đồng dân cư các địa phương trong tỉnh.
Thực tiễn cho thấy lĩnh vực, hoạt động nào có sự đánh giá, sơ, tổng kết thì việc triển khai, thực hiện đạt được chất lượng, hiệu quả cao. Hoạt động của MTTQ phải hướng về cơ sở, đến khu dân cư. Nơi nào Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư mạnh thì nơi đó có phong trào tốt, huy động được đông đảo nhân dân tham gia. Bên cạnh đó là cần quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp vững về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và kỹ năng vận động, tập hợp quần chúng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động
- Để MTTQ tiếp tục phát huy là vai trò trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm vụ đặt ra cho hoạt động của MTTQ Việt Nam tỉnh trong nhiệm kỳ tới là gì; những giải pháp chủ yếu nào sẽ được MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện, thưa ông?.
- Trong 5 năm tới, tình hình thế giới và khu vực có nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen nhau tác động đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Từ đó đòi hỏi MTTQ Việt Nam các cấp cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động. MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh sẽ triển khai thực hiện 5 chương trình hành động, gồm: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương và đất nước; phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, giải pháp căn bản được đề ra là: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn kiện, nghị quyết của Đảng; vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Đổi mới và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát động rộng rãi phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”… Thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tạo môi trường để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị và tâm tư nguyện vọng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Tiếp tục tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp công tác giữa HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp trong thực hiện nhiệm vụ công tác Mặt trận…
- Xin cảm ơn ông!
THU THẢO - NHƯ Ý
CAO SƠN (thực hiện)