Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân

Cập nhật: 04-10-2016 | 08:53:13

Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53/LCT ban hành Pháp lệnh về việc quy định Quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây là văn bản quan trọng đầu tiên, là dấu mốc lịch sử đối với công tác PCCC. Pháp lệnh nêu rõ: “PCCC là để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng tài sản của nhân dân; bảo vệ sản xuất với an ninh trật tự; đồng thời cũng khẳng định công tác PCCC là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân và của toàn xã hội…”.

Khẳng định tầm quan trọng của công tác PCCC, tiếp đó ngày 31-5-1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 175/TTg về công tác PCCC, trong đó quy định lấy ngày 4-10 hàng năm là Ngày truyền thống toàn dân PCCC. Ngày 2-6-1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg xác định lấy ngày 4-10 hàng năm là Ngày PCCC toàn dân. Quyết định nêu rõ: “Việc tổ chức ngày này nhằm nâng cao ý thức PCCC cho toàn dân, huy động được đông đảo quần chúng tham gia vào các hoạt động thiết thực, bổ ích trong công tác này; biểu dương, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào toàn dân PCCC”. Ngày 12-7-2001, Văn phòng Chủ tịch nước công bố ban hành Luật PCCC đã được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 29-6-2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 4-10-2001. Luật PCCC quy định ngày 4-10 hàng năm là Ngày toàn dân PCCC.

Nhắc lại các dấu mốc có tính lịch sử nêu trên để thấy, ngay từ năm 1961, khi nền công nghiệp nước nhà còn rất non trẻ, các khu dân cư còn thưa thớt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến công tác PCCC. Tiếp đó, các cơ quan cao nhất của Nhà nước là Hội đồng Bộ trưởng, văn phòng Thủ tướng Chính phủ cũng đã lần lượt ban hành các Chỉ thị, Quyết định về công tác PCCC. Khi đất nước bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCCC đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Quốc hội đã thông qua Luật PCCC. Trong các văn bản nói trên, tất cả đều thống nhất lấy ngày 4-10 hàng năm là Ngày toàn dân PCCC và đề cao vai trò, trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội đối với công tác PCCC. Đây chính là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong công tác PCCC.

Từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đó của Đảng và Nhà nước, các địa phương trong nước đã biết huy động sức dân, lấy phòng ngừa là chính và đề cao mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Điều đó đồng nghĩa với việc đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC. Thực hiện phong trào này, đến nay cả nước đã thành lập được 171.601 đội dân phòng, đội PCCC cơ sở với hơn 1,8 triệu người tham gia; xây dựng, phát triển và nhân rộng 32 phong trào, mô hình PCCC. Riêng tại Bình Dương, trong những năm gần đây cũng đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình PCCC, như: Câu lạc bộ nhà trọ an toàn về PCCC; Cụm doanh nghiệp an toàn về PCCC…

Hiệu quả mà phong trào đem lại là nhiều sơ hở, thiếu sót có nguy cơ gây cháy ở các cơ sở sản xuất và khu dân cư đã được phát hiện và khắc phục kịp thời; trên 50% số vụ cháy được ngăn chặn không để cháy lan, cháy lớn, từ đó góp phần kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên