Quảng cáo, rao vặt không đúng quy định: Tăng cường các giải pháp chấn chỉnh

Cập nhật: 19-12-2013 | 00:00:00

Kỳ 1: Quảng cáo “rác” từ đường phố đến điện thoại di động

Kỳ 2: Cần những giải pháp đồng bộ, kiên quyết

Vì sao quảng cáo rao vặt (QCRV), tin nhắn rác (TNR) còn “hoành hành”? Trước hết, đó là do việc phối hợp xử lý của các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, các biện pháp chế tài chưa thực sự mạnh, đặc biệt là công tác tuyên truyền cùng với ý thức công dân chưa cao. Mặt khác, vì lợi ích cục bộ, các doanh nghiệp viễn thông đã có biểu hiện buông lỏng quản lý, thậm chí tự tiện phục hồi liên lạc cho các số thuê bao di động vi phạm khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định!  

ĐVTN phòng VHTT TP.TDM tháo dỡ quảng cáo rao vặt trên địa bàn

Ngày 12-11-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Nghị định có 5 chương, 86 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là 50.000.000 đồng, trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng.

Trong lĩnh vực quảng cáo, phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng; phạt tiền từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông; phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự tại trụ sở cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện; quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự trên hệ thống truyền thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị của xã, phường, thị trấn.

Tình trạng lưu hành sim di động khuyến mại dưới dạng đã kích hoạt thông tin thuê bao của người khác (thông tin ảo) vẫn còn tồn tại, khiến việc sử dụng loại thuê bao này để tiếp tục thực hiện hành vi QCRV khó có thể kiềm chế. Quy định thời hạn tiếp nhận hồ sơ xử lý QCRV theo 3 tháng/đợt là còn chậm. Đây chính là khoảng thời gian có thể làm phát sinh đối tượng vi phạm mới và đối tượng bị phát hiện chưa xử lý vẫn tiếp tục hoạt động.

Những bất cập đó là lý do làm cho tình trạng quảng cáo trái phép vẫn lén lút hoặc tiếp tục tái diễn, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra đồng thời ảnh hưởng đến quyết tâm xóa bỏ QCRV, TNR của từng địa phương.

Để từng bước chấn chỉnh, đưa hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, đúng theo quy định hiện hành của pháp luật, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch kiểm tra và tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo xử lý từng bước có trọng tâm, trọng điểm đối với tình hình quảng QCRV; huy động lực lượng các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang xuống đường tháo gỡ, tẩy xóa gắn với việc phát động, mở những đợt tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân với hình thức in, treo banner và phát tờ rơi đến từng hộ, trong đó nêu các chủ trương, quy định chế tài của Chính phủ đối với hành vi vi phạm trong quảng cáo; tổ chức thông báo rộng rãi kết quả xử lý các đối tượng vi phạm, các số thuê bao tạm dừng liên lạc liên quan đến quảng cáo theo quy định để người dân biết, tự giác chấp hành, đồng thời phối hợp tốt với các địa phương trong việc bài trừ tệ nạn quảng cáo rác, góp phần gìn giữ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.

Từng địa phương giao cho đoàn viên thanh niên, ban bảo vệ khu phố... xây dựng các tuyến đường thanh niên kiểu mẫu, tuyến đường đăng ký xóa quảng cáo rác, thường xuyên tổ chức kiểm tra, thu gom và xử lý kịp thời tình trạng QCRV phát sinh, từng bước nhân rộng trên địa bàn. Cho phép các phường, xã, thị trấn sử dụng kinh phí địa phương để xây dựng các bảng quảng cáo công cộng, vừa phục vụ thực chất quảng cáo, vừa hướng hoạt động quảng cáo trái phép đi vào nề nếp.

Ngành chức năng có thể đưa công tác xử lý QCRV vào đăng ký thi đua, phát động các phường, xã, thị trấn đăng ký các tuyến đường không có quảng cáo rác để đánh giá, chấm điểm, xét thi đua hàng năm, đồng thời bổ sung nội dung về vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị liên quan đến quảng cáo vào bảng quy ước các khu phố - ấp, để cùng phấn đấu thực hiện...

Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của hoạt động QCRV, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân chấp hành các hoạt động QCRV; đồng thời sẽ kiến nghị cấp trên bổ sung các quy định về hoạt động QCRV trong hệ thống các văn bản pháp luật về hoạt động quảng cáo để làm căn cứ pháp lý xây dựng và hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động QCRV. Đồng thời cần nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả để các địa phương khác học tập, rút kinh nghiệm triển khai ở địa phương mình; kịp thời khen thưởng các cá nhân có công phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm về in dán, vẽ quảng cáo sai quy định, góp phần ổn định trật tự trong quảng cáo thương mại và QCRV.

BÌNH MINH - THIÊN LÝ

- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Lộc: Trong thời gian tới, để tình trạng quảng cáo rao vặt không đúng quy định không còn diễn ra, bên cạnh sự nỗ lực của ngành văn hóa, đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục chỉ đạo và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa cho các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân và cùng hành động chống lại các hành vi quảng cáo sai quy định.

- Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông: Internet và thuê bao di động không có giới hạn phạm vi địa lý hành chính nên công tác kiểm tra, phát hiện xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Tin nhắn rác sẽ còn tồn tại trong một xã hội đang trên đà phát triển trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin. Chính vì vậy, việc ngăn chặn và xử lý tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo... cần được tiến hành bằng cách phối hợp nhiều giải pháp với sự tham gia của nhiều ngành có liên quan. Trong đó, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dùng điện thoại di động là yêu tố then chốt và cần được ưu tiên tiến hành sâu rộng để ngăn ngừa các thiệt hại có thể xảy ra.

Thực hiện công tác này, hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đều tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, đại lý viễn thông các văn bản và quy định của Nhà nước về quản lý internet, quản lý thuê bao di động trả trước, tin nhắn rác; phối hợp với các đơn vị thông tin đại chúng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh báo về xu hướng gia tăng các tin nhắn lừa đảo đến người dùng điện thoại di động, nhằm giảm thiểu tình trạng trên.

- Ông Võ Thái Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (Tân Uyên): Trong thời gian qua, UBND xã đã phối hợp cùng các đoàn thể thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, xử phạt và cạo xóa QCRV không đúng quy định trên địa bàn. Việc tăng cường kiểm tra, xử phạt đã làm cho thực trạng này tại Tân Hiệp giảm hẳn. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm tra nhằm đưa công tác QCRV đi vào nề nếp…

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=524
Quay lên trên