Sinh viên tất bật làm thêm mùa hè

Cập nhật: 21-08-2013 | 00:00:00

   Sinh viên tiếp thị cho hãng sữa Abbott

 101 kiểu công việc thời vụ

Bạn Võ Thanh Bình, SV năm 4, Đại học Mở - Bán công TP.HCM, cơ sở Bình Dương, chia sẻ: “Em đã thử qua rất nhiều công việc từ phát tờ rơi, bán bảo hiểm, phục vụ nhà hàng cho đến chuyên viên tư vấn sữa... Phải có thời gian và công việc phù hợp thì mình mới dám nhận làm. Nhóm bạn sống chung phòng trọ, ai cũng thích lăn xả, cứ có việc bán thời gian là rủ nhau làm”. Khác với Bình, bạn Hà Quang Dự, SV năm 4, tạm trú Bình Dương, quê gốc Bình Định thì cho rằng làm thêm là “việc chọn người”. Dự đã thử qua những việc bán bánh mì, bán hoa vào dịp lễ, bán sim dạo, chạy bàn ở quán cà phê. Đối với Dự, chỉ cần chuẩn bị tâm thế phải chịu khó, hòa đồng nhanh với môi trường và nhẫn nhịn thì việc gì cũng làm được. Để củng cố kiến thức, SV Nguyễn Thị Hồng Sương, hiện đang trọ học tại KTX Sao Mai, Bình Dương cũng đã chọn cho mình những công việc phù hợp như đi làm gia sư tại nhà. Công việc này luôn đòi hỏi người làm phải có kiến thức phổ thông vững, cách giao tiếp và truyền đạt dễ hiểu. Một khi đã phù hợp thì có thể gắn bó với nghề cũng là điều dễ hiểu.

Cuộc sống sẽ bớt khó khăn?

Nhiều bạn nhận làm thêm mà không biết rõ những công việc mình làm có trái luật hay không. Đơn cử trường hợp bạn Bình, khi đi bán sim và bảo hiểm có lần bị phạt vì lấn chiếm lòng lề đường. Hay khi đi dán tờ rơi bị dân phòng bắt phạt, bạn mới biết mình đang làm một việc không mấy tích cực.

Riêng công việc dạy thêm của bạn Sương thoạt nghe có nhẹ nhàng nhưng cũng lắm vất vả. Thường khi muốn nhận lớp, những người như Sương phải thông qua trung gian là trung tâm giới thiệu việc làm hay trung tâm gia sư. Đã nhiều lần chứng kiến bạn bè và chính bản thân trải nghiệm, Sương nhận thấy các trung tâm này luôn mập mờ trong việc tiết lộ điều kiện và địa chỉ làm việc với gia sư. Số tiền cọc trung tâm thu trước gọi là phí giới thiệu lên đến 35% lương của tháng đầu trong khi SV chưa nhận được tháng lương nào. Khi thu phí xong, họ mới thông tin địa chỉ cụ thể cho các gia sư. Và khi SV tìm đến nơi thì hỡi ôi địa chỉ quá xa, học sinh mất căn bản, không chịu hợp tác, phụ huynh “hoạnh họe” làm khó đủ điều. Thậm chí, trung tâm trắng trợn đến mức “ăn gian” giờ làm việc của SV. Sương cho biết: “Mình đến nơi thì phụ huynh đưa cho xem tờ rơi của trung tâm quảng cáo một tuần dạy 6 buổi, trong khi bên trung tâm chỉ thỏa thuận là dạy 3 buổi/tuần. Mình gọi đến trung tâm hỏi lại thì họ nói không giải quyết trường hợp này, nếu không đồng ý công việc thì chịu mất phí 35%. Vì tiếc tiền nên tụi mình đành chịu khó “cày” để lấy lại đủ lương rồi nghỉ”.

“Đa số các bạn SV làm thêm đều mong sẽ nhận được lương, kinh nghiệm sống và kiến thức thực tế để giải quyết những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, khi đến với những công việc bán thời gian, họ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn”, Cường - sinh viên đại học Thủ Dầu Một cho biết.

Mùa hè, tranh thủ thời gian rảnh, các bạn SV đi làm thêm khá nhiều với công việc đa dạng. Với một khoản thu nhập dù có phần khiêm tốn, các em thường nghĩ đến cơ hội cọ sát thực tế cuộc sống, tích lũy vốn sống và kinh nghiệm làm việc để làm hành trang vào đời sau này. Tuy nhiên, các bạn SV nên tìm hiểu kỹ công việc mình sẽ làm trước khi bắt tay vào, để không gặp khó khăn khác giống những trường hợp “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” như trên.

Đối với một SV thì việc học vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất. Trong thời gian học, các bạn trẻ có thể chọn làm bán thời gian để mưu sinh, để có thêm kiến thức kinh nghiệm, nhưng đừng vì những vấn đề trước mắt mà quên mất lợi ích lâu dài, đó là tấm bằng cử nhân.

 KHÚC NGỌC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=240
Quay lên trên