Tâm sự nghề báo

Cập nhật: 01-12-2010 | 00:00:00

Hôm nay (1-12) báo Bình Dương thêm một tuổi mới, tuổi 34 tràn đầy sức lực. Chúng tôi, những người làm báo Đảng có dịp kiểm điểm lại một năm làm nhịp cầu nối, chuyển tải thông tin đến với bạn đọc ở khắp mọi nơi trong tỉnh, cũng như có thêm nhiều kỷ niệm buồn vui trong quá trình tác nghiệp.

Nhịp cầu nối

Đặc thù công việc của nghề báo là đi nhiều. Đi mới phát hiện được những sự kiện, vấn đề xảy ra ở cơ sở, nắm bắt được nguyện vọng của người dân, biết họ đang cần gì để mang thông tin đến với dân và truyền đạt những tâm tư của họ đến với ngành chức năng. Trong quá trình đi cơ sở ắt hẳn mỗi phóng viên (PV) đều có những kỷ niệm buồn vui trên đường tác nghiệp. Với PV Văn hóa - Xã hội như chúng tôi còn được tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, trong đó có người nghèo. Mỗi khi phát hiện trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi nhanh chóng đưa lên mặt báo và kêu gọi sự giúp đỡ, ngay bản thân chúng tôi cũng sẵn sàng ủng hộ họ, có thể bằng cả số tiền nhuận bút của bài viết ấy. Thoại Phương, một PV trẻ của báo, khi về Tân Uyên viết bài cho một cơ sở từ thiện xã hội đã vui vẻ ủng hộ 200.000 đồng khi biết cơ sở đang khó khăn. Đó là anh Trung Hậu, khi viết về một hoàn cảnh nghèo khó đang điều trị ở bệnh viện, anh đã dốc hết tiền túi để san sẻ cho bệnh nhân nghèo trong cơn khốn khó. Mới đây nhất, anh Quang Tám, khi đi thực hiện bài viết về bé Ngân bị bạo hành, khi biết hoàn cảnh gia đình bé khó khăn, anh cũng động lòng thương cảm và lì xì bé 100.000 đồng...

 

PV đang tác nghiệp

Riêng bản thân tôi, là PV phụ trách mảng giáo dục, tôi có dịp tiếp cận với nhiều đối tượng học sinh - sinh viên. Biết được nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng giúp đỡ các em, tôi đã làm nhịp cầu nối, tìm kiếm các đơn vị, cá nhân có tấm lòng hảo tâm tài trợ học bổng cho các em trong suốt quá trình học đại học - cao đẳng.  5 năm nay, hầu như năm nào tôi cũng giới thiệu một vài trường hợp, giúp SV thực hiện được ước mơ vào đại học.  Vậy đó, PV chúng tôi đôi khi trở thành những nhà từ thiện gián tiếp như thế. Chúng tôi không chỉ làm nhịp cầu trong việc chuyển tải thông tin, mà còn là cầu nối để tình người đến với nhau đúng lúc, những người có trái tim nhân ái có dịp thể hiện nghĩa cử cao đẹp.

Dù là người gián tiếp làm từ thiện, nhưng người được giúp đỡ vẫn nhớ đến chúng tôi, dù chúng tôi cho đi nhưng không cần nhận lại sự trả ơn nào. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có niềm vui khi người được giúp đỡ vẫn còn tình cảm sâu nặng với mình. Đó là trường hợp của Nguyễn Bích Siêng, cựu HS trường THPT An Mỹ. Những gì tôi giúp cho em dù không to tát nhưng mỗi năm 1 - 2 lần em vẫn nhớ điện thoại hoặc ghé thăm tôi để kể về tình hình học tập. Giờ đây em đã là cô giáo trẻ, nhưng em vẫn giữ thói quen ấy. Có thể em đã xem tôi như một người dì, người mẹ để em có thể bộc bạch những buồn vui về chuyện gia đình, chuyện học tập. Mới đây, tôi còn được em mời đến dự đám cưới của em. Và tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi cô học trò nghèo ngày nào giờ đây trưởng thành và có được hạnh phúc riêng.

Bài học từ thực tế

Làm báo, ngoài yêu cầu thông tin nhanh, còn đòi hỏi thông tin phải chính xác. Đó là nguyên tắc hàng đầu của nghề báo mà mỗi người làm báo chúng tôi phải nắm rõ. Những bài viết đưa lên mặt báo, ngoài những bài khen ngợi để động viên khích lệ còn có bài có tính chất góp ý xây dựng, bởi báo chí phải có thông tin 2 chiều, không chỉ đơn thuần là tô hồng. Và thói đời, khen ngợi thì không sao, nhưng nếu có phê bình chút chút dù đúng nhưng đơn vị, cá nhân vẫn có những phản ứng nhất thời. Đã làm nghề này thì không sợ đụng chạm và chúng tôi, những người làm báo ít nhiều cũng vài lần đối mặt với nó. Và chính viết thật như thế cơ sở dù có “ghét” mấy tên nhà báo hay “bươi móc”, nhưng cũng nể khi tiếp xúc với chúng tôi.

Tôi còn nhớ, có lần tôi có bài viết về sự xuống dốc chất lượng giáo dục, khi thực hiện bài này, các trường THPT cũng đồng quan điểm với báo và sẵn sàng cung cấp thông tin. Nhưng khi báo ra, có vị lãnh đạo, kể cả một vài hiệu trưởng đã có phản ứng vì tôi đã nói thật. Nhiều tháng liền họ đã có thái độ không hợp tác và tỏ ra dè dặt khi cung cấp thông tin cho báo. Một lần khác, tôi cũng có bài viết về chất lượng giáo dục ở một huyện phía bắc, huyện này tôi không phải chỉ có một bài viết dạng đóng góp xây dựng mà vài ba lần như vậy. Khi đến nắm thông tin các anh ở Phòng Giáo dục vui vẻ cung cấp, nhưng đến khi đưa ra mặt báo, có lẽ các anh bị cấp trên quở trách. Thế nên sau đó khi gặp chúng tôi tại một bữa tiệc, anh nói đùa với mọi người: “Đây là nhà báo... cho tui sống thì tui sống, cho tui chết thì tui chết!” câu nói vui của anh với mọi người khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Vậy ra vẫn còn có lúc có nơi chưa mạnh dạn với việc đấu tranh để xây dựng xã hội này được hoàn thiện hơn.

Thế đấy, làm nghề này đôi khi phải đối diện với sự đụng chạm. Nhưng chúng tôi biết được vị trí mình ở đâu cũng như trách nhiệm với xã hội. Nghề báo đã rèn luyện cho mỗi PV bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, nhất là những PV làm báo Đảng như chúng tôi.

Thế nhưng, bài viết phê bình không phải lúc nào cũng đúng, phê có tính thuyết phục nhưng cũng không quá mức. Tôi còn nhớ, cách đây vài năm khi mới thực hiện cuộc vận động “hai không”, khi  viết bài phê bình học sinh ngày nay thờ ơ với việc học, tôi đã đưa câu “bõ công: cơm cha, áo mẹ, công thầy...” vào bài viết, sếp đã tế nhị bỏ câu đó và nói nửa đùa, nửa nhắc khéo: Sao chửi quá vậy chị, vẫn còn nhiều HS học chăm chỉ đấy chứ. Lần khác tôi cũng có bài viết đánh giá về chất lượng, tôi có đưa vào 2 từ “cải tổ” mà khi biên tập sếp nổi nóng thật sự và phê bình tôi ngay trong cuộc họp giao ban. Sau đó sếp nhắc nhở: “Hoạt động gì cũng có tính lịch sử và kế thừa, thế nên khi viết không nên phủ nhận thành tích trước đó”. Ở mỗi trường hợp như vậy chúng tôi lại rút ra cho mình bài học để trưởng thành hơn trong nghề nghiệp. Và nghề đã dạy cho chúng tôi rằng, chê cũng phải có khen để cơ sở còn vươn lên, để mọi người còn có niềm an ủi mà tiếp tục công tác.

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên