Thắp sáng ước mơ cho những mảnh đời bất hạnh

Cập nhật: 03-11-2010 | 00:00:00

Hơn 10 năm nay, có không biết bao nhiêu đứa trẻ đã biết đọc, biết viết từ những lớp học tình thương trong ngôi trường Trần Quốc Toản, thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An. Dù cuộc sống còn chồng chất khó khăn nhưng những thanh niên, công nhân nơi đây vẫn ngày đêm miệt mài “gieo chữ” để thắp lên ánh sáng ước mơ cho những mảnh đời bất hạnh.

Ấm lòng trẻ em cơ nhỡ

Ở thị trấn Lái Thiêu, có nhiều lớp học tình thương đã “gieo chữ” cho những mảnh đời tuổi thơ cơ nhỡ. Mỗi cuộc đời của các em kể ra là một câu chuyện đầy xúc động. Em Phạm Thị Yến Nhi 10 tuổi, học sinh lớp 2 của lớp học tình thương tại trường Trần Quốc Toản thổ lộ: “Gia đình em nghèo, không đủ ăn, không có tiền đi học, không mua được sách vở, quần áo, nhờ có các anh chị tình nguyện viên (TNV) mà chúng em được học chữ. Em sẽ cố gắng học để sau này được làm cô giáo giúp đỡ lại những bạn gặp khó khăn”. Ước mơ nhỏ nhoi của một cô bé vừa tròn 10 tuổi làm chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Chia tay với em, chúng tôi nhìn thấy một bạn trai cao to đang cầm cuốn sách lớp 2 đánh vần từng chữ. Em cho biết, tên Đặng Văn Tuấn, 17 tuổi, lúc trước, em có đi học nhưng chỉ học được một thời gian thì mẹ bệnh nặng phải nghỉ học. Hiện nay, em là lao động chính trong nhà. Thế là hàng ngày, em phải lao động vất vả để kiếm tiền mua thuốc cho mẹ, ai bảo gì làm nấy. Tuấn tâm sự: “Em thấy mình lớn tuổi mà không biết chữ nên các bạn chê cười. Em muốn đi học lắm nhưng không có tiền. Em nghe nói có lớp học tình thương dành cho những đứa trẻ như em nên đã tìm đến. Em sẽ cố gắng hết sức để có thể đọc được, viết được, để có thể đem khoe với các bạn, em không phải là người mù chữ”.

  Một TNV giúp trẻ em cơ nhỡ học toán tại lớp học tình thươngTrao đổi với chúng tôi trong dòng nước mắt, chị Nguyễn Thị Hiếu - phụ huynh em Trần Mạnh Tuấn học sinh lớp 1 ở lớp học tình thương này cho hay, Tuấn bị bệnh bẩm sinh, gia đình gặp nhiều khó khăn nên không chạy chữa nổi. Cháu rất ham học nhưng không có trường nào nhận, vì cháu bị tật nguyền, cháu muốn viết nhưng tay lại bị liệt. Được biết có lớp học tình thương, gia đình chúng tôi đã tìm đến gửi cháu. Biết rằng, cháu tật nguyền nhưng gia đình vẫn muốn cho cháu một chút hạnh phúc nho nhỏ trong cuộc sống.

Vượt khó để tìm ánh sáng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, buổi tối, có nhiều em đến lớp học bằng một chén cơm nguội nhưng có em lại không được no đủ như thế, phải nhịn đói vào lớp học đến tiết cuối là bắt đầu uể oải. Nhiều khi, các bạn TNV còn bỏ tiền túi ra mua cho bánh mì hay sữa đậu nành để các em có thêm sức ngồi nghe giảng bài. Tôi thật sự tâm đắc với ai đó gọi những lớp học này là lớp học tình thương, bởi vì các em không chỉ được đón nhận tình thương từ người mở lớp mà còn có rất nhiều tình thương từ những người đứng lớp.

Anh Ngô Tiến Đạt - Phó Bí thư Huyện đoàn Thuận An cho biết: Xuất phát từ tâm nguyện muốn đem con chữ đến với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đến trường, hơn 10 năm nay, lớp học tình thương ở thị trấn Lái Thiêu đã trở thành nơi đến của rất nhiều học sinh nghèo. Đây là chương trình thiết thực mà các bạn thanh niên đã cùng nhau góp công sức xây dựng nên và được nhiều người quan tâm giúp đỡ.

Có một điều đặc biệt tại các lớp học tình thương là rất nhiều bạn thanh niên đã đến giúp đỡ các em. Hiện nay, đứng lớp dạy có gần 15 TNV là sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một, công nhân tại các công ty. Ban ngày, các bạn học tập và làm việc cho bản thân mình nhưng tối đến vẫn chiếc xe đạp cà tàng, không ngại khó, ngại khổ để “gieo chữ” thắp sáng ước mơ cho các em lang thang, cơ nhỡ. Anh Nguyễn Hoàng Hải - sinh viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM là một điển hình. Theo nhiều TNV kể lại, gia đình anh Hải rất nghèo, hàng ngày anh phải vừa đi học, vừa giúp đỡ gia đình mưu sinh. Đêm đến, anh lại đến lớp bên cạnh những đứa trẻ thân thương. Giờ đây, khi đã là sinh viên sống xa nhà, nhưng những ngày cuối tuần, anh đều tranh thủ thời gian tới thăm các em và cùng các em vui đùa. “Các em nhỏ ai cũng mến Hải, vì Hải chưa bao giờ la mắng các em. Hải như thấu hiểu tâm tư của từng đứa, biết được nỗi đau khi bị nói là trẻ mồ côi, bị mọi người coi là con bé bán vé số, thằng đánh giày”, một cán bộ Huyện đoàn Thuận An nhận xét.

Cần lắm những tấm lòng

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lái Thiêu, trăn trở: “Mặc dù bề bộn nhiều công việc nhưng các bạn TNV đã cố gắng hết sức để giúp đỡ các em. Hiện nay, các TNV chưa có bất kỳ sự hỗ trợ nào, các bạn đến với các em cũng chỉ bằng tấm lòng cao cả của mình”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cái khó ở các lớp học tình thương là nhiều em sau khi học xong lớp 5, để có thể học tiếp lớp 6 tại các trường, các em cần có giấy xác nhận đã học xong. Tuy nhiên, việc xin giấy xác nhận này rất khó khăn. Do đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền hãy quan tâm hơn nữa đến các em HS cơ nhỡ và các TNV tình nguyện giảng dạy tại đây.

Một điểm khó khác tại các lớp tình thương là các em HS cơ nhỡ vẫn còn thiếu thốn nhiều dụng cụ học tập, cuộc sống nhiều em vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, ngoài sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, thì các mạnh thường quân hãy tiếp tục chung tay, góp sức để các em có thêm những phần quà dù nhỏ nhoi nhưng ít nhiều giúp các em đủ tự tin vươn lên trong cuộc sống.  

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên