“Thông điệp” phát triển bền vững

Cập nhật: 29-09-2015 | 08:23:00

Mô hình phát triển nông thôn mới của Việt Nam đã được Liên hiệp quốc đánh giá cao tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Sự kiện này diễn ra tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Hoa Kỳ trong những ngày cuối tháng 9-2015.

Vì sao mô hình phát triển nông thôn mới của Việt Nam lại được Liên hiệp quốc đánh giá cao? Trước hết, cho thấy sự phản ánh khát vọng về một thế giới không còn đói nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị đang nổi lên và được các quốc gia quan tâm hàng đầu hiện nay. Quan trọng nữa là mô hình phát triển của Việt Nam mang đậm tính chất bền vững, cộng đồng, đặc biệt là do người dân làm chủ, người dân thụ hưởng... Điều quan trọng nữa là thế giới đã và đang thấy có sự đổi thay rõ rệt ở bộ mặt nông thôn của Việt Nam, nhất là về cơ sở hạ tầng, về thu nhập của người nông dân.

Đột phá trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững ở Việt Nam có thể lấy tỉnh Bình Dương làm điển hình minh chứng. Từ chủ trương lớn của Trung ương, Bình Dương đã huy động cả bộ máy chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay nỗ lực vươn lên xóa nghèo. Từ năm 2006, Bình Dương đã không còn hộ nghèo (theo tiêu chí quốc gia). Năm 2010, Bình Dương đã nâng chuẩn nghèo so với cả nước với thu nhập bình quân 9,6 triệu đồng/người/năm ở khu vực nông thôn và 12 triệu đồng/người/năm ở khu vực thành thị. Với mức này, Bình Dương có mức thu nhập cao gấp hai lần so với cả nước. Cuối năm 2013, Bình Dương lại nâng chuẩn nghèo lần thứ hai với mức thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm ở khu vực nông thôn và từ 13,2 triệu đồng/ người/năm ở khu vực thành thị. Phấn đấu hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của Bình Dương chỉ còn dưới 1%...

Thành công từ thực tiễn của đất nước, trong bài phát biểu tại Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Việt Nam nổi bật ở 3 vấn đề sau:

1. Cần có cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của toàn xã hội; đồng thời coi trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, trang bị cho họ kiến thức cơ bản về nông thôn mới để công cuộc nông thôn được tiến hành nhanh hơn và tiết kiệm được nguồn lực mới.

2. Xây dựng nông thôn mới phải do người dân làm chủ. Người dân sẽ tự tìm ra nhu cầu thực sự của họ để quyết định cách làm phù hợp và Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các nhu cầu thiết thực của họ.

3. Cần xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực và việc sử dụng các nguồn lực phải công khai, minh bạch theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về phát triển bền vững trong một thế giới đang có sự khoảng cách lớn giữa giàu - nghèo, giữa thịnh vượng - bất ổn… thì những kinh nghiệm của Việt Nam trở thành “thông điệp” quan trọng, đóng góp lớn cho sự ổn định, hòa bình và phát triển chung của thế giới. Khi thế giới đã ghi nhận thì mô hình phát triển nông thôn mới của Việt Nam rồi đây sẽ trở thành sản phẩm đặc thù “xuất khẩu” đến các nước đang phát triển chăng!?

 T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên