Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm: Duy trì ổn định, tăng trưởng tích cực

Cập nhật: 25-06-2012 | 00:00:00

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế của Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì được sự ổn định và tăng trưởng theo hướng tích cực. Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng từ 1,9% đến 16,8%.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng mạnh

Trong các lĩnh vực, dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 16,8%. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhờ thực hiện tốt các giải pháp cấp thiết theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh nên khu vực này có nhiều chuyển biến tốt. Cụ thể, Bình Dương đã triển khai chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2011-2015; ban hành kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với tổng giá trị hàng hóa 485 tỷ đồng; chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng mới và nâng cấp như siêu thị, trung tâm thương mại... đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông và trao đổi hàng hóa. Công tác quản lý thị trường cũng được tăng cường nhằm chống đầu cơ, chống hàng gian hàng giả góp phần kiềm chế tăng giá và ổn định thị trường. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 33.083 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,48% so với tháng 12-2011. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ 122 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 4 tỷ 188 triệu USD, tăng 15,1% so cùng kỳ.

 Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì được sự ổn định và tăng trưởng Bên cạnh thương mại - dịch vụ, lĩnh vực công nghiệp cũng tăng trưởng ổn định, trong đó giá trị công nghiệp 6 tháng ước đạt 58.493,4 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2011. Có được kết quả trên một phần nhờ vào sự nỗ lực trong chỉ đạo điều hành của tỉnh, trong đó lãnh đạo tỉnh luôn theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN). Qua đó, có những biện pháp kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Lãnh đạo các ban ngành của tỉnh cũng đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ và đối thoại với các chủ đầu tư, hiệp hội ngành hàng và vận dụng các chính sách hỗ trợ cho DN, đặc biệt là đối với các DN vừa và nhỏ. Trong đó, ngành thuế đã có những đóng góp tích cực trong công tác thông tin, hướng dẫn các DN về miễn giảm, gia hạn một số khoản thu, cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh còn quan tâm chỉ đạo ngành điện bảo đảm cung ứng điện, giúp DN duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đẩy nhanh các dự án, công trình cấp thiết

Trong lĩnh vực đầu tư và phát triển đô thị, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc họp quan trọng chỉ đạo các ngành thực hiện tốt cơ chế phân cấp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các công trình, dự án bức xúc, cấp thiết, tránh lãng phí tài nguyên, tài chính và đưa vào sử dụng có hiệu quả; đồng thời thực hiện giãn và hoãn tiến độ thực hiện đối với một số công trình chưa thực sự có nhu cầu và bức xúc nhằm tập trung kinh phí cho các công trình thiết yếu hơn. Trong 6 tháng, tổng giá trị khối lượng nghiệm thu cấp phát là 2.172 tỷ đồng, đạt 65,8% kế hoạch.

Đi đôi với xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển đô thị, lãnh đạo tỉnh còn chú tâm đến công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá, sửa đổi và bổ sung một số chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư. Nhờ đó, chỉ qua 6 tháng đã có 780 DN đăng ký mới và 201 DN đăng ký tăng vốn, với tổng vốn là 5.586 tỷ 272 triệu đồng; cấp mới cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 4.033 tỷ đồng, thu hút 51 dự án đầu tư mới và 57 dự án tăng vốn ở lĩnh vực FDI với 2 tỷ 83 triệu USD. Từ đó, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như tạo việc làm cho lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh...

Lĩnh vực nông nghiệp cũng tiếp tục phát triển ổn định, công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng được quan tâm thường xuyên; công tác kiểm tra hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm được tăng cường, góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã quan tâm ban hành các kế hoạch như chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp...

Về lĩnh vực tài nguyên môi trường cũng có nhiều hoạt động tích cực như: thành lập đoàn kiểm tra đất đai của các dự án liên quan đền bù, giải tỏa; lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011-2015; thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và kiểm tra xử lý các hoạt động vi phạm liên quan... Tăng cường công tác quản lý môi trường và xử lý ô nhiễm; quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường đến năm 2020; rà soát và lập phương án xử lý các lò gạch thủ công, hoffman không phép; kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác, kinh doanh và vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai, Sài Gòn...

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu mới ngân sách của tỉnh ước đạt 11.000 tỷ đồng, giảm 4% so cùng kỳ, đạt 43% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao và đạt 41% dự toán của HĐND tỉnh, giảm 4% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 7.500 tỷ đồng, bằng cùng kỳ năm trước; thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu 3.500 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ. Chi ngân sách ước 5.000 tỷ đồng, tăng 61% so cùng kỳ, đạt 53% dự toán HĐND tỉnh, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 44%.

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=228
Quay lên trên