Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” ở một xã cù lao

Cập nhật: 23-07-2013 | 00:00:00

Xã Bạch Đằng (Tân Uyên) hiện có 6 ngôi đình ở 6 ấp. Đình không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân mà còn là điểm đóng quân của bộ đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ. 152 người con ưu tú vùng đất này đã mãi mãi nằm xuống cho “màu xanh” quê hương được trường tồn. Để ghi nhận công lao, cũng như tưởng nhớ những người con vùng đất Bạch Đằng hy sinh bảo vệ Tổ quốc, 6 ngôi đình Bạch Đằng đã đưa danh sách liệt sĩ (LS) vào thờ. Từ đó, hàng năm dịp 27-7 (Ngày Thương binh - Liệt sĩ), các ngôi đình cùng tổ chức cúng tưởng niệm.

Theo lời kể của những nhân chứng lịch sử địa phương, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, trong 6 ngôi đình tại Bạch Đằng, đình Tân Trạch không những là nơi thờ cúng của nhân dân ấp 3 mà còn là nơi “che chở” cho bộ đội. Do đó, mỗi bức tường, cảnh vật nơi đây luôn “sống mãi” trong lòng những người cách mạng, ghi dấu nhiều giá trị lịch sử. Cũng từ đó, đình trở thành di tích cấp tỉnh năm 2007.

Ban Quý tế đình Tân Trạch cúng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Đình Tân Trạch - Giá trị lịch sử trường tồn

Đình Tân Trạch, tọa lạc tại ấp 3, xã Bạch Đằng. Đình được xây dựng vào năm Giáp Dần (1854), với diện tích trên 2.380m2. Trải qua hơn 150 năm lịch sử, ngôi đình đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử xảy ra trên mảnh đất này. Đình Tân Trạch ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn như lần trùng tu năm 2003. 22 cột gỗ bên ngoài đã được xây bằng bê tông có lan can và đảo lại ngói chống dột. Đình thờ Thần hoàng bổn cảnh, những vị tiền hiền khai quốc, hậu hiền khai cơ của địa phương và thờ 43 LS 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Từ cổng chính đi vào, ở phía bên trái là khóm thờ Sơn quân (Thần Cọp) xây bằng bê tông, có chiều cao 0,8m, rộng 1m, dài 1,2m. Kế đến là khóm thờ Cửu huyền, chánh điện. Sân đình khá rộng rãi, thoáng mát, tạo một không khí dễ chịu, trong lành cho bất kỳ ai một lần đặt chân đến.

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, đình Tân Trạch còn có giá trị lịch sử cách mạng rất lớn. Trong thời kỳ Pháp thuộc đến năm 1945, ngôi đình bị Pháp chiếm làm nơi đóng đồn để thực hiện đàn áp khủng bố nhân dân. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, năm 1966, tình hình chiến cuộc thay đổi, nhân dân Bạch Đằng đứng lên chiến đấu giành lại đình và ra sức tu sửa. Trong thời kỳ này, đình Tân Trạch không những là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là nơi dừng chân của cán bộ cách mạng. Theo lời kể của ông Võ Văn Sơn (SN 1945, con LS Nguyễn Văn Nóc) - đang là thành viên Ban quý tế đình, cho biết: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình Tân Trạch là nơi lui tới của bộ đội. Ngoài ra, từ nơi đây nhiều cuộc phản công giành lại hòa bình đã diễn ra. Hiện tại những đường hầm do bộ đội đào để tiện chiến đấu đã được lấp, nhưng chắc hẳn khi nhắc đến đình Tân Trạch sẽ không ai quên được những năm tháng đấu tranh hào hùng”.

Tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Đình Tân Trạch được xếp hạng di tích cấp tỉnh và là ngôi đình duy nhất lưu giữ nhiều giá trị lịch sử tại địa phương. Xuất phát điểm từ đó, từ năm 2005 đến nay cứ đến ngày 27-7, người dân trong ấp lại đến cúng tế và tưởng nhớ các LS đã hy sinh. Theo thông lệ, 5 ngôi đình còn lại trong xã cũng dâng hương tế lễ dịp 27- 7. Theo ông Lê Văn Sỹ, cán bộ thương binh - xã hội xã Bạch Đằng: “Lễ cúng tưởng niệm tại các ngôi đình dịp 27-7 là do hai anh em ông Lê Hoàng Huân, Lê Hoàng Phương khởi xướng. Trước đây, ông Huân, Phương từng tham gia kháng chiến ở địa phương, chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt, sự ra đi anh dũng của đồng đội. Sau khi hòa bình, hai ông về công tác tại Đồng Nai nhưng nỗi nhớ đồng đội luôn canh cánh bên mình. Do đó, hai ông đã đề nghị địa phương làm lễ tưởng niệm các anh hùng LS, đưa danh sách LS vào thờ trong các ngôi đình và cúng dịp 27-7.

 Đình Tân Trạch mang nhiều dấu ấn lịch sử

Thấy được ý nghĩa sâu sắc đó, UBND xã Bạch Đằng đã chọn ngày 27-7 như một ngày lễ chính tại các đình. Theo đó, từ năm 2005 đến 2012, UBND xã Bạch Đằng cấp mỗi đình 500.000 đồng làm kinh phí tổ chức lễ 27-7. Riêng năm 2013, UBND chi cho mỗi đình 1 triệu đồng để lo cho việc cúng bái, tưởng niệm các LS. Ông Nguyễn Thanh Minh, cán bộ văn hóa - xã hội xã Bạch Đằng nói: Mỗi lần tổ chức lễ 27-7, thân nhân gia đình LS và người dân trong xã đến rất đông, đặc biệt là lớp trẻ. Qua đó, giúp lớp trẻ hiểu thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của ông cha để giành lấy hòa bình. Từ đó, tự ý thức xây dựng quê hương, đất nước, địa phương thêm giàu mạnh.

Để ngày lễ tưởng niệm đi sâu trong lòng người dân, có sức lan tỏa rộng, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng Nguyễn Thanh Âm, cho rằng: Các ngôi đình khác trong tỉnh chưa thực hiện được việc cúng tưởng niệm các LS nhân dịp 27-7, xã Bạch Đằng đã làm được phải duy trì hoạt động này lâu dài. Do đó, ban ngành, đoàn thể trong xã cần tích cực phối hợp với Ban quý tế lại các đình kiểm tra công tác chuẩn bị. Bên cạnh đó, phân lịch cán bộ tham dự tại các đình, qua đó nắm tình hình, rút kinh nghiệm tổ chức tốt hơn vào những lần sau.

Có thể thấy, lễ tưởng niệm các anh hùng LS dịp 27-7 tại Bạch Đằng đã tôn vinh giá trị văn hóa - lịch sử, đồng thời nhắc nhở cháu con dù đi đâu cũng nhớ về nguồn cội. Từ đó góp sức, trí tuệ xây dựng quê hương.

T.TÂM – P.CHI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=555
Quay lên trên