Ứng xử trên mạng xã hội cần chuẩn mực

Cập nhật: 30-06-2021 | 08:32:29

Ngày nay, xã hội đã bước sang thời kỳ chuyển đổi công nghệ số, người sử dụng tài khoản Zalo, Facebook để tham gia mạng xã hội (MXH) ngày càng đông đảo. Bên cạnh những lợi ích mang lại, MXH phần nào cũng đang bị “vẩn đục” bởi một số thành phần cá nhân lợi dụng MXH đăng thông tin “thiếu văn hóa”, sai sự thật, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và gây nhiễu loạn dư luận xã hội trên môi trường mạng internet. Do đó, mỗi cá nhân, tổ chức cần phải có trách nhiệm trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên MXH.  

 Đoàn viên thanh niên TX.Tân Uyên sử dụng MXH trên tài khoản Zalo để trao đổi công việc phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thị xã

 Lợi ích từ mạng xã hội

Công nghệ internet và MXH đã trở thành phương tiện chuyển tải thông tin hữu ích cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi trao đổi công việc, kinh doanh, hoặc kết nối người thân dù khoảng cách xa xôi về mặt địa lý. Điển hình gần đây nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đã lập nhóm Zalo để làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội, vừa nâng cao hiệu quả công việc vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên trường THCS Nguyễn Viết Xuân, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Thời đại 4.0, MXH trở nên rất hữu ích. Các kênh MXH giúp chúng ta nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn. MXH đã giúp tôi kết nối thường xuyên với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình… Đây không chỉ là kênh giải trí hiệu quả mà còn là phương tiện để giáo viên và học sinh trao đổi trực tuyến nội dung bài học thông qua nhóm Zalo, Facebook khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và không thể đến trường được trong hoàn cảnh như lúc này”.

Chia sẻ về trách nhiệm của mình khi tham gia MXH, chị Vũ Thị Hải, chủ shop vải ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho hay thời buổi dịch bệnh khó khăn, chị sử dụng MXH trên các thiết bị công nghệ thông minh livestream bán hàng online để bảo đảm thu nhập. Ngoài ra, chị cũng tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi một số người nổi tiếng về chiến lược kinh doanh phát triển kinh tế trên MXH. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, chị Hải thường xuyên truy cập MXH để theo dõi tin tức dịch bệnh, tìm tài liệu cho con cái học tập, vui chơi, giải trí.

“Tuy nhiên, MXH hiện nay cũng xuất hiện tràn lan nhiều thông tin xấu, tin “trôi nổi” chưa có sự kiểm chứng… Người sử dụng MXH có văn hóa phải hết sức cẩn thận và tỉnh táo khi lựa chọn thông tin có ích cho xã hội, nguồn tin đúng sự thật để like, chia sẻ hoặc bình luận trên trang cá nhân mình”, chị Hải nói.

Cần có văn hóa ứng xử chuẩn mực

Có thể thấy, bên cạnh mặt tích cực, môi trường MXH phần nào đang bị “vẩn đục” bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử chưa văn hóa, cách sử dụng MXH của một số người chưa thật sự văn minh, hoặc số ít lợi dụng các diễn đàn để công khai đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi livetream xâm phạm cuộc sống riêng tư của một số cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của họ. Như mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh đã mời đối tượng L.Đ.C. (quê Thanh Hóa, tạm trú TP.Dĩ An) đến làm việc về hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên trang fanpage “Tôi là dân Dĩ An”, gây hoang mang trong cộng đồng mạng.

Thạc sĩ Nguyễn Khánh Hùng, giảng viên chuyên ngành luật, Khoa khoa học quản lý, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết dưới khía cạnh pháp lý, mọi cá nhân đều có quyền được tự do thể hiện chính kiến trên không gian mạng, quyền tự do ngôn luận hoàn toàn không bị hạn chế, tuy nhiên phải trong khuôn khổ của pháp luật. Hành lang pháp lý rõ ràng đã tạo nên môi trường không gian mạng lành mạnh, an toàn. Các chế tài có thể là xử phạt vi phạm hành chính, phải bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự hoặc cao nhất là bị xử lý hình sự. “Hơn hết, mỗi cá nhân tham gia MXH phải tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định về các quy định của pháp luật trong môi trường MXH. Phải nắm được cái gì nên và không nên làm hoặc cái gì được và không được làm để góp phần xây dựng một cộng đồng mạng sạch, mạnh, văn minh”, thạc sĩ Hùng nói.

Những thông tin chia sẻ trên MXH là sự phản ánh hình ảnh con người, tính cách và lối sống của chính người sử dụng. Vì vậy, khi tham gia MXH, mỗi cá nhân, tổ chức nên là một người dùng MXH văn minh, có văn hóa và rèn cho mình cách ứng xử, tương tác chuẩn mực.

 Nhằm hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Theo đó, Bộ Quy tắc khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về văn hóa tốt đẹp của đất nước Việt Nam; tuân thủ các quy tắc về việc chia sẻ những thông tin có nguồn gốc chính thống, có hành vi ứng xử phù hợp với giá trị đạo đức truyền thống. Đặc biệt, không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội…

THU HƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=511
Quay lên trên