Vật liệu xây dựng không nung: Cần được khuyến khích sử dụng

Cập nhật: 24-07-2013 | 00:00:00

Vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) tại Bình Dương rất ít được sử dụng do người dân còn thiếu thông tin. Tuy nhiên, đây là loại vật liệu được Chính phủ cũng như chính quyền địa phương khuyến khích sử dụng.

Thiếu thông tin, ít được dùng

VLXDKN bao gồm gạch xi măng - cốt liệu, vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm panel từ bê tông khí chưng áp), tấm tường thạch cao, tấm 3D, gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...). Tất cả các loại vật liệu này đều không nung và không phải làm từ nguyên liệu đất sét. Chính vì thế VLXDKN giá rẻ, bền chắc hơn so với vật liệu nung, dẫn đến việc tiết kiệm chi phí xây dựng cho chủ đầu tư. Theo báo cáo mới đây của Công ty TNHH Hidico tại Hội thảo VLXDKN, bê tông nhẹ và công nghệ sản xuất vừa tổ chức tại Bình Dương, việc chủ đầu tư lựa chọn VLXDKN để xây dựng Đại học Miền Tây đã tiết kiệm đến 50% chi phí xây dựng.

Khách hàng đang tìm hiểu VLXDKN

Tuy nhiên, việc sử dụng VLXDKN trong hộ gia đình vẫn còn rất thấp. Bởi người dân vẫn còn thiếu thông tin về loại sản phẩm này. Theo thống kê của Bộ Xây dựng mới đây, có đến 93% gạch xây hiện nay được người dân sử dụng là gạch nung truyền thống, gạch tuynel, 7% ít ỏi còn lại là gạch không nung. Phần lớn trong số này được sử dụng rất hạn chế trong các công trình xây dựng, chủ yếu là để xây tường rào, lát lối đi… Thực tế, người dân không mấy mặn mà với VLXDKN vì thói quen sử dụng gạch nung truyền thống và ít được tư vấn thông tin về các VLXD mới mẻ này.

Hiện nay, tại các showroom VLXD lớn trên địa bàn Bình Dương cũng đã lác đác xuất hiện VLXDKN nhưng chủ yếu vẫn chỉ là một số loại gạch phổ thông và chỉ được… trưng bày. Anh Vũ Hồng Tiến, chủ một cửa hàng VLXD tại TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Gạch không nung của cửa hàng là do công ty xin được đặt trưng bày. Số gạch loại này tiêu thụ rất chậm, lâu lâu mới có khách đến mua số ít chứ không dùng để xây nhà như gạch nung”.

Nhiều cơ hội phát triển, nhưng…

Nhằm khuyến khích sử dụng loại vật liệu thân thiện với môi trường, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 09/2012/ TT-BXD hướng dẫn quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng, có hiệu lực kể từ ngày 15-1-2013. Theo đó, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXDKN theo lộ trình. Cụ thể, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXDKN. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN kể từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

Ngoài ra, các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sử dụng VLXDKN.

Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ xây dựng mới các công trình lớn nhất cả nước. Chính vì thế, UNBD tỉnh cũng sớm ban hành Quy hoạch phát triển VLXD toàn tỉnh đến năm 2020. Trong quy hoạch này, VLXDKN được ưu tiên phát triển mạnh mẽ. Theo đó, VLXDKN sẽ chiếm khoảng 16% và năm 2020 khoảng 40% tổng số VLXD được sản xuất trên địa bàn. Ngay sau khi có Chỉ thị 567 của Thủ tướng Chính phủ cộng với những bước đi kịp thời của UBND tỉnh, có thể nói năng lực sản xuất VLXDKN của Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ. Cuối năm 2012, Công ty Cổ phần Chế tạo máy và Sản xuất vật liệu mới Trung Hậu đã dời nhà máy chính tại Bến Cát. Sự góp mặt của Công ty Trung Hậu kéo theo cơ hội tiếp cận và sử dụng nhiều dây chuyền sản xuất gạch không nung lớn cho nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất loại vật liệu này. Bởi Trung Hậu là đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị sản xuất VLXDKN lớn của Việt Nam hiện nay. Tiếp theo đó, sự có mặt của hàng loạt công ty sản xuất VLXDKN lớn như Phan Vũ, Vương Hậu, FiCo… khiến cho năng lực sản xuất của các nhà cung cấp ở Bình Dương được nâng cao đáng kể.

Tuy nhận được nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ của Trung ương, địa phương nhưng để VLXDKN đi vào phân khúc thị trường chính là nhu cầu xây dựng trong dân, rất cần sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp và thông tin đa chiều tác động đến người dân. Việc thay đổi thói quen sử dụng VLXD và chọn VLXDKN trong dân cần thêm thời gian và nhiều ưu đãi cụ thể để khuyến khích người dân sử dụng.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=287
Quay lên trên