Xã hội hóa dịch vụ công: Góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ 

Cập nhật: 13-11-2015 | 08:33:44

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương mới đây để tìm hiểu về hiệu quả sau 8 năm sử dụng vốn vay Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tại Bình Dương, ngài Artur Andrysiak, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng các thành viên trong đoàn đã bày tỏ sự hài lòng về việc địa phương đã sử dụng hiệu quả đồng vốn; đồng thời trực tiếp nêu nhiều câu hỏi xoay quanh việc cổ phần hóa, xã hội hóa dịch vụ công của Bình Dương trong thời gian tới.

 

 Hoạt động nghiên cứu chế phẩm xử lý nước rỉ rác tại Xí nghiệp Xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Ảnh: DUY CHÍ

Hiệu quả hơn cả cam kết

Cách đây 8 năm, công trình cung cấp nước sạch đầu tiên trực tiếp phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương là Nhà máy cấp nước Dĩ An, sử dụng nguồn vốn vay ODA từ ADB được xây dựng. Nhờ công trình này mà người dân các xã, phường nằm xa trung tâm 2 huyện Dĩ An và Thuận An, TX.Thủ Dầu Một (trước đây) và một phần của quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) có nước sạch để sử dụng thay cho việc khai thác nước ngầm.

Qua khảo sát thực tế, ngài Artur Andrysiak rất ấn tượng về sự hài lòng của người dân nơi đây về chất lượng dịch vụ, cung cách, thái độ phục vụ của nhà cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, so với cam kết khi nhận tài trợ, nhà cung cấp dịch vụ sẽ tăng giá 2 năm/lần so với giá khởi điểm. “Bằng cách nào Bình Dương đã thực hiện tốt hơn cả cam kết khi nhận tài trợ, trong khi các nơi đều tăng giá theo lộ trình?”. Ngài Artur Andrysiak đã trực tiếp đặt câu hỏi với ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc, với hàm ý “Có hay không sự tài trợ, hỗ trợ từ phía chính quyền để kéo dài thời gian tăng giá?”.

Ông Trần Thanh Liêm đã thẳng thắn cho biết, việc chậm tăng giá nước là do doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Kết quả này bắt nguồn từ việc đầu tư và lựa chọn công nghệ phù hợp để vừa nâng cao hiệu quả đầu tư vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm dịch vụ. Hai yếu tố quan trọng này đã giúp người dân, khách hàng quyết định lựa chọn dịch vụ. Quan trọng hơn và cũng là nguyên nhân vì sao Bình Dương chậm tăng giá nước so các tỉnh, thành lân cận là vì tỷ lệ thất thoát nước của Bình Dương thấp nhất cả nước (8%).

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công

Từ hiệu quả đầu tư nói trên, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã tích lũy được nguồn vốn và triển khai thí điểm mô hình đầu tư công - tư kết hợp (PPP) nhà máy cấp nước Dĩ An II theo hình thức “Nhà nước đầu tư nhà máy - Tư nhân tổ chức khai thác, vận hành”. Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt.

Trả lời câu hỏi của ngài Artur Andrysiak về việc sắp tới, các loại hình dịch vụ công cộng có được mở rộng theo hướng xã hội hóa; phương thức đầu tư công - tư kết hợp hay cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có được thực hiện như cam kết hay không, ông Trần Thanh Liêm cho biết, lộ trình xã hội hóa dịch vụ công cộng đã được khởi đầu bằng phương thức khoán, đặt hàng doanh nghiệp, hợp tác thực hiện các dịch vụ như thu tiền nước, tiền rác, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt cùng nhiều công việc khác. Tới đây, công tác xã hội hóa các dịch vụ này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, năm 2016 tỉnh sẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn lại. Việc làm này góp phần làm tăng sức mạnh, tăng khả năng hoạt động cho doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho người dân nhờ chất lượng dịch vụ, giá cả cạnh tranh và không ảnh hưởng gì đến các nhà tài trợ.

Ông Trần Chí Thắng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương chia sẻ thêm, hiện nay nhiều nhà máy xử lý rác thải trong cả nước hoạt động đều lỗ vì giá nhà nước khoán cho doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí xử lý. Xí nghiệp hoạt động được là nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, vận hành an toàn theo phương thức hạn chế chôn lấp để tiết kiệm đất đai. Nhờ công nghệ xử lý hiện đại kết hợp với việc không ngừng nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp như kết hợp xử lý vi sinh với xử lý hóa chất để tiết kiệm điện, tiết kiệm hóa chất; thu hồi, tái chế các phụ phế phẩm trong quá trình xử lý rác như thu hồi khí biogas để phát điện, chế biến dung môi, sản xuất phân bón, gạch xây dựng… đã tạo ra giá trị gia tăng mới để bù đắp các khoản chi phí ban đầu và đã có lãi.

Những thành công bước đầu này cho thấy, chủ trương xã hội hóa dịch vụ công cộng là nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm gáng nặng ngân sách và chuyên nghiệp hóa các hoạt động dịch vụ theo hướng chất lượng cao. Điều này đòi hỏi các nhà doanh nghiệp không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải biết lựa chọn, ứng dụng công nghệ hợp lý để làm gia tăng lợi ích trong quá trình cạnh tranh và phát triển.

 DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
ODABiwase

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=678
Quay lên trên