Xã Tân Định (Bến Cát): Tổ chăn nuôi hoạt động hiệu quả

Cập nhật: 16-11-2013 | 00:00:00

 Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Định cho biết, theo yêu cầu của bà con chăn nuôi cút trên địa bàn xã là cần phải liên kết bảo đảm phát triển lâu dài. Được sự hỗ trợ từ Chi cục Thú y huyện, sự thống nhất của UBND xã, Hội Nông dân xã đã nhất trí thành lập tổ hợp tác chăn nuôi. Mới thành lập, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động của tổ để có pháp nhân, hỗ trợ cho tổ làm đề án cụ thể về chương trình chăn nuôi, kiến nghị hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, vốn vay ưu đãi, tạo điền kiện cho những thành viên có vốn đầu tư vào sản xuất...   Nuôi chim cút lấy trứng tại xã Tân Định góp phần giúp người dân thoát nghèo. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Thanh thu hoạch trứng cút tại trại nuôi của gia đình

Sau khi nhận quyết định thành lập, tổ có 58 hộ chăn nuôi đăng ký tham gia, trong đó có 38 hộ chăn nuôi cút để lấy trứng, còn lại 18 hộ nuôi nhỏ lẻ trâu, bò, gà, heo... Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổ trưởng tổ nuôi cút, bà con nông dân xã Tân Định chọn mô hình nuôi cút để phát triển kinh tế được hơn 10 năm. Khi mới nuôi do không nắm bắt được kỹ thuật nên không có lời. Nhận thấy tầm quan trọng trong việc thành lập tổ chăn nuôi để hỗ trợ nhau về vốn, khoa học kỹ thuật, người dân đã nhanh chóng đăng ký làm thành viên. Tổ chăn nuôi được thành lập, nhiều hộ khó khăn đã được hỗ trợ, từ đó yên tâm lao động, sản xuất.

Tính đến ngày 31-10-2013 tổng số đàn cút hiện có của tổ là 220.000 con, so với lúc thành lập tổ tăng hơn 19.700 con. Tính trung bình nuôi 6.000 con cút để lấy trứng 1 ngày là thu được khoảng 5.000 quả trứng. Giá bình quân mỗi trứng 360 đồng, mỗi ngày thu được 1,8 triệu đồng. Chi phí thức ăn, tiền công 1 ngày/6.000 con khoảng 1,5 triệu đồng, lãi 300.000 đồng, bình quân 1 tháng lãi 9 triệu đồng. Từ kinh nghiệm bản thân, ông Thanh cho rằng: “Muốn chăn nuôi đạt hiệu quả cao phải có sự liên kết giữa những người chăn nuôi với nhau. Liên kết để chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, con giống, đầu ra cho sản phẩm. Khi tham gia vào tổ, mặc dù chưa được bao tiêu nhưng hiện tại đầu ra tương đối ổn định, giá bán cũng cao hơn so với các hộ bán riêng lẻ”.

Ngoài nuôi cút lấy trứng, người dân còn bán cút thương phẩm. Cút sau khi được nuôi 1 năm, khả năng sinh sản kém được bán với giá 50.000 đồng/kg. Cút được bán sang các nước Thái Lan, Malaysia. Những nước này ưa chuộng cút già, bởi thịt cút dai và có thể chế biến được nhiều món ăn. Từ thực tế trong chăn nuôi, người nông dân ấp 3, xã Tân Định đã thay đổi tư duy làm ăn riêng lẻ thành làm ăn tập thể, góp phần tăng lợi nhuận và hướng người nông dân sản xuất theo hướng kinh tế tập thể, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế xã nhà. Trong thời gian tới, nếu tổ chăn nuôi xã Tân Định được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương và các cấp, ngành có liên quan về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 T.LÝ - Đ.TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên