Xây dựng đô thị phục vụ mục tiêu phát triển bền vững

Cập nhật: 15-05-2013 | 00:00:00

> Bài 1: Nhìn từ Mỹ Phước

> Bài 2: Sức lan tỏa từ thành phố mới

Bài 3: Cần hiểu đúng vấn đề

 Nhìn từ Mỹ Phước, thành phố mới (TPM) hay các địa phương khác trên địa bàn tỉnh từ những thực tế đang diễn ra, có thể khẳng định việc xây dựng đô thị của Bình Dương là nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Đô thị phát triển đã tác động giúp các ngành nghề, lĩnh vực khác cùng phát triển, làm nên bức tranh sinh động về kinh tế - xã hội. Hiểu được vấn đề này thì mới thấy được giá trị đích thực của việc đầu tư xây dựng đô thị tại Bình Dương.    Quốc lộ 13 kết nối Bình Dương với TP.HCM, Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Trong ảnh: Quốc lộ 13 đoạn qua TP.TDM

 Từ xây dựng đô thị…

Chỉ sau hơn 10 năm quy hoạch và xây dựng, huyện thuần nông Bến Cát đã chuyển mình nhanh chóng để trở thành địa phương có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Tại đây, ngoài những KCN bề thế, còn có những khu đô thị mới bài bản, khang trang đang làm bật lên một sức sống mới và kéo theo dịch vụ tăng tốc. Tại TPM, bên cạnh những công trình trọng điểm đã và đang được đưa vào sử dụng, nhiều khu đô thị mới đã mọc lên phục vụ cho việc nâng tầm dịch vụ trong giai đoạn hội nhập và phát triển. TPM Bình Dương có vị trí chiến lược quan trọng, nên được lãnh đạo tỉnh quan tâm đẩy nhanh quá trình xây dựng nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho tỉnh nhà trong tương lai.

Dưới góc nhìn về phát triển đô thị, với những gì đang diễn ra tại Bình Dương, thử hỏi có nơi nào công nghiệp phát triển nhanh như Bến Cát; có thành phố nào trên thế giới chỉ 3 năm sau ngày khởi công đã định hình bóng dáng một đô thị hiện đại như TPM Bình Dương. Có chứng kiến quang cảnh một vùng gò đồi của mươi năm trước, mới thấy được sức sống mãnh liệt của Mỹ Phước hôm nay; có tận mắt nhìn thấy một vùng đất hoang hóa không mấy giá trị, mới thấy được sức bật của TPM hiện nay. Điều đó chứng minh, Bình Dương đang đi đúng hướng trong việc phát triển đô thị để nâng tầm dịch vụ, tạo bộ mặt khang trang cho thành phố Bình Dương trong tương lai.

 Tác động của quy hoạch, xây dựng đô thị đến sự phát triển của những lĩnh vực, ngành nghề khác, mà đặc biệt đối với công nghiệp là thực tế không thể phủ nhận. Thành công đó là kết tinh từ sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Định hướng phát triển đến năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng trước các khu đô thị bài bản là điều đáng biểu dương. Có thực hiện trước việc quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị, mới phát huy được nội lực và thu hút ngoại lực giúp tỉnh nhà phát triển.

Công nghiệp phát triển kéo theo đô thị phát triển. Đô thị phát triển tác động trở lại giúp công nghiệp tạo ra giá trị tăng trưởng cao. Với vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở trung tâm những trục đường vành đai của TP.Hồ Chí Minh và trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương thuận lợi để phát triển công nghiệp và đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, việc quy hoạch và xây dựng đô thị cũng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu chung này. Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch và xây dựng, Bình Dương không thể tiến hành đồng loạt mà thực hiện từng phần. Theo đó, nhiều đô thị xung quanh các khu công nghiệp ra đời, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và cung cấp dịch vụ phục vụ quá trình phát triển công nghiệp của nhiều địa phương. Song song với việc phát triển đô thị, Bình Dương còn quan tâm thực hiện các công trình kết nối để tạo ra bức tranh đô thị hoàn chỉnh. Hiện tại, Bình Dương đang tiến hành nhiều công trình thực hiện mục tiêu kết nối này.

…Đến vấn đề kết nối

Trong những năm qua, cùng với việc quy hoạch và xây dựng đô thị Bình Dương quan tâm đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông. Đây là những công trình vừa tạo lực phát triển công nghiệp, vừa kết nối trung tâm tỉnh lỵ với các địa phương trong tỉnh và cả khu vực. Bằng chứng là quốc lộ 13 đã được Bình Dương đầu tư nâng cấp để kết nối với TP.HCM, một trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực phía Nam và kết nối với các tỉnh tại khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên. Con đường này không chỉ giúp các huyện phía Bắc tỉnh Bình Dương phát triển, mà còn góp phần giúp các tỉnh như Bình Phước và Tây nguyên cùng phát triển…

Sau quốc lộ 13, Bình Dương tiếp tục thực hiện hàng loạt tuyến đường kết nối với khu vực, trong đó có tuyến đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn với số vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng. Sau 3 năm triển khai, hiện tuyến đường xung yếu kết nối vùng nhằm giúp Bình Dương trở thành cửa ngõ huyết mạch cho việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực Tây nguyên, các tỉnh miền Đông Nam bộ đến sân bay, cảng biển quốc tế sắp hoàn thành. Mới đây, Bình Dương còn xúc tiến kế hoạch xây dựng tuyến metro nối Bình Dương với TP.HCM. Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ lên đô thị loại một vào năm 2020, việc xây dựng tuyến metro kết nối trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục lớn nhất nước là TP.HCM thành hiện thực sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế bền vững, làm thay đổi diện mạo của thành phố Bình Dương trong tương lai.

Cần hiểu đúng vấn đề

Có thể nói, phát triển đô thị giúp công nghiệp của tỉnh phát huy hiệu quả. Đầu tư xây dựng đô thị ngoài việc tạo bộ mặt khang trang, còn giúp Bình Dương tạo sức hút đầu tư. Nhìn vào con số 2.160 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 18 tỷ USD, hay giá trị sản xuất công nghiệp gần 141.000 tỷ đồng/năm… cũng dễ dàng nhận ra điều này. Chỉ tính riêng trong 3 năm qua, tuy tình hình khách quan không mấy thuận lợi, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Bình Dương vẫn năm sau đạt cao hơn năm trước và luôn nằm trong top đầu của cả nước. Nổi bật, năm 2012 Bình Dương thu hút FDI cao nhất nước với 2,6 tỷ USD. Bước sang quý I-2013, có thêm 643 triệu USD vốn FDI tìm đến với Bình Dương. Để tạo được sức hấp dẫn như vậy với nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh các khu công nghiệp được xây dựng bài bản, chắc chắn có sự đóng góp của vấn đề quy hoạch, xây dựng đô thị.

Để đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị, Bình Dương có cách làm hiệu quả và được Trung ương đánh giá cao là kêu gọi các thành phần kinh tế cùng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp cũng như xây dựng đô thị. Do đó, trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị có lúc, có nơi còn xảy ra chuyện thừa thiếu. Ví dụ như thừa nhà, nhưng thiếu người ở; thừa đường nhưng thiếu người đi… Đây là quy luật tất yếu của thị trường và nếu không đặt trong bối cảnh cụ thể để suy xét, không hiểu đúng căn nguyên vấn đề thì không thể đánh giá hết hiệu quả đạt được. Do vậy, khi nói về đô thị tại Bình Dương, phải hiểu rằng tất cả sự phát triển đó là để phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài, hướng đến đô thị văn minh trong tương lai, nên cần phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan.

 PHƯỚC GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=263
Quay lên trên