Xuất khẩu năm 2012: Ngành hàng chủ lực giữ vững vị thế

Cập nhật: 12-12-2012 | 00:00:00

   Sản phẩm máy phát điện xuất khẩu của Công ty Cổ phần Năng lượng Sáng Ban Mai (KCN Mỹ Phước 2, Bến Cát) 

 Các ngành hàng chủ lực giữ vững vị thế

Năm 2012, KNXK các mặt hàng như sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép tiếp tục khởi sắc. Trong đó, KNXK sản phẩm gỗ ước đạt 1.520 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ, chiếm 12,7% tổng KNXK của tỉnh. Ngay từ đầu năm, bên cạnh lượng đơn đặt hàng ổn định tại các thị trường truyền thống như Mỹ và Đài Loan, lượng đơn hàng tại các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc tăng mạnh, dẫn đến giá cả mặt hàng này tăng 5 - 7% so với năm 2011 (sản phẩm tủ gỗ cao su, ghế gỗ thông). Cùng với mặt hàng gỗ, KNXK ngành hàng dệt may trong năm cũng tăng mạnh, ước đạt 1.469 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng  12,3% KNXK cả tỉnh. Lượng đơn đặt hàng của mặt hàng này tuy giảm về số lượng, nhưng các DN lớn, có thương hiệu, lại ký kết được nhiều hợp đồng gia công có giá trị gia tăng cao. Thị trường XK chủyếu của mặt hàng này vẫn làMỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Giá XK các mặt hàng áo khoác thể thao nam, áo thun… tăng 5 - 8% so với cùng kỳnăm 2011. Cùng với 2 mặt hàng trên, KNXK mặt hàng giày dép ước đạt 968 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ, chiếm 8,2% tổng KNXK của tỉnh. Ngay từ đầu năm, ngành hàng này đã đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Thị trường truyền thống của mặt hàng này chủ yếu vẫn là các nước Mỹ, Nhật Bản, EU, Braxin.

Trong khi các mặt hàng chủ lực nói trên giữ vững vị thế thì  các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và mủ cao su lại gặp khó khăn, do nhu cầu thị trường và giá cả giảm. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ tuy vẫn được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm này giảm mạnh. Ước cả năm 2012, KNXK mặt hàng này đạt 102,6 triệu USD, tăng 2,7% so cùng kỳ, chiếm 1% tổng KNXK của tỉnh. Riêng mủ cao su, KNXK cả năm 2012 ước đạt 262,230 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Mặt hàng cao su tuy tăng về lượng XK ở hầu hết các thị trường, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan và Đức; nhưng giá giảm nên tăng trưởng XK đạt thấp.

Doanh nghiệp trong nước gặp khó

Năm 2012, KNXK khu vực kinh tế trong nước ước đạt 2.207,7 triệu USD, chỉ tăng 3,5%  so cùng kỳ, mức tăng quá thấp nếu so với khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với mức tăng hơn 19%. Tăng trưởng XK của DN trong nước ở Bình Dương đạt thấp là do các DN khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biết là khó khăn về vốn. Hầu hết các DN trong nước đều cho rằng, hiện nay lãi suất ngân hàng tuy có hạ, nhưng mức lãi suất 15%/năm là vẫn còn cao. Cùng với đó là các loại chi phí đầu vào như xăng dầu, vận chuyển, điện đều tăng, trong khi đầu ra thị trường thu hẹp, giá cả không tăng hoặc tăng rất nhẹ. Đó là nguyên nhân làm cho DN ngày càng khó khăn, kéo theo mức tăng KNXK đạt thấp.  

 Sản xuất ván sàn xuất khẩu tại Công ty Sao Nam (KCN Nam Tân Uyên)

Bên cạnh các khó khăn chung nói trên, các ngành sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may, gốm sứ, gỗ... còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực, công nghệ sản xuất lạc hậu và chưa được hỗ trợ để tham gia các kênh xúc tiến thương mại ở nước ngoài... Do vậy, một số DNXK chủ yếu bán hàng qua trung gian, dẫn đến lợi nhuận giảm do phải chi hoa hồng cho các công ty trung gian. Con số DN được hỗ trợ tham gia hội chợ nước ngoài cả năm 2012 chỉ có 6 DN đã nói lên tất cả!

Cần lắm sự “tiếp sức” từ nhà nước

Trước tình hình khó khăn của DN, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã có cuộc họp rà soát những khó khăn và tiếp tục tìm giải pháp giúp DN, đặc biệt là các DN trong nước vượt qua khó khăn. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 29/NQ-QH của Quốc hội, tổ chức nắm tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN, hiệp hội ngành hàng, để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho DN, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tiếp cận các thị trường tiềm năng...

“ Năm 2012 đã đi qua và năm mới 2013 sắp bắt đầu. Tháo gỡ khó khăn cho DN là hướng đến một năm mới tốt lành. Do vậy, UBND tỉnh đã đề ra các mục tiêu tổng quát cho năm 2013 là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm các cân đối lớn để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đặc biệt là đạt mục tiêu tăng trưởng XK 19%. Hy vọng với sự cố gắng của cả hai phía, bức tranh XK Bình Dương trong năm tới sẽ khởi sắc hơn.”

Thực hiện sự chỉ đạo này, trong năm Sở Công Thương (CT) đã thực hiện tốt đề án Hiệp hội ngành hàng, chương trình xúc tiến thương mại (XTTM), hỗ trợ DN tham dự hội chợ trong ngoài nước, giúp DN quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường để tiêu thụ hàng hóa tồn kho, đẩy mạnh XK. Cụ thể, Sở CT đã vận động và hỗ trợ cho 35 DN với 100 gian hàng tham gia 7 hội chợ trong nước, hỗ trợ 6 DN tham gia hội chợ nước ngoài. Qua đó, các DN đã ký kết được nhiều đơn hàng có giá trị lớn. Sở CT cũng đã tiếp tục triển khai thực hiện chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế, chương trình Thương mại điện tử, chương trình vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...

Cùng với các chương trình nói trên, ông Nguyễn Hữu Lý, Phó Giám đốc Trung tâm XTTM Sở CT, cho biết năm 2011, Bộ CT còn phối hợp với các sở, ngành địa phương tổ chức cho các DN Việt Nam tham quan, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Myanmar, trong đó có khoảng 20 DN của Bình Dương. Myanmar là thị trường tiềm năng, có môi trường đầu tư tốt, còn nhiều thế mạnh chưa được khai thác nên sau chuyến tham quan, nhiều DN Bình Dương cho biết đã có kế hoạch thâm nhập thị trường này trong thời gian tới.

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=212
Quay lên trên