Xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả

Cập nhật: 13-07-2013 | 00:00:00

Qua một thời gian thực hiện chương trình nông nghiệp đô thị (NNĐT), tại Bình Dương đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bước chuyển phù hợp

Đến nay tổng diện tích NNĐT của Bình Dương là 171,7 ha, trong đó cây cảnh có diện tích 78,7 ha, hoa lan 16,2 ha, nấm và rau mầm 3,8 ha, rau thủy canh và rau an toàn 73 ha. Bên cạnh đó Bình Dương cũng có 433 hộ đầu tư chăn nuôi theo mô hình NNĐT với số lượng trên 247.000 con với các loại như cá sấu, cá cảnh, ba ba, chim yến, trĩ, nhím… Sự xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình đã chứng minh rằng nông dân Bình Dương ngày càng hiểu hơn về những lợi ích mà NNĐT mang lại và phù hợp.

Sản xuất rau an toàn tại xã Tân Định, huyện Bến Cát 

Ông Huỳnh Văn Khải, chủ cơ sở sản xuất rau mầm Khải Yến (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Trước thực tế đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, tôi có ý tưởng làm rau sạch và đã chọn mô hình trồng rau mầm. Việc trồng rau mầm mang lại môi trường sạch, tạo ra các loại sản phẩm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và điều quan trọng là hiệu quả kinh tế rất cao”. Theo ông Khải, sản xuất NNĐT cũng không quá khó khăn mà điều quan trọng là cần phải chịu đầu tư để có thể áp dụng được những kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ ứng dụng tốt các quy trình kỹ thuật mà hiện nay cơ sở sản xuất rau mầm của ông Khải luôn phát triển ổn định. Hàng năm, sau khi trừ hết chi phí ông thu về trên 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Khác với ông Khải, ông Nguyễn Văn Thích, (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) tập trung xây dựng mô hình trồng hoa lan. Ông Thích hiện có trên 7.000 gốc lan với diện tích đất khoảng 2.500m2. Ông mới chỉ thu hoạch 1/3 diện tích vườn lan của mình nhưng trung bình mỗi tuần đã có thu khoảng 7 triệu đồng. Ông vui vẻ cho biết: “Trước đây tôi nuôi gà nhưng vì dịch bệnh nên thường xuyên thua lỗ, tôi chuyển sang trồng hoa lan. Nếu được tập huấn kỹ càng, chịu khó và gặp giá cả thuận lợi người trồng lan sẽ thắng”.

Khắc phục hạn chế

Ông MAI VĂN TRỊ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ: Bình Dương có nhiều lợi thế

Tuy là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nhưng Bình Dương vẫn có quỹ đất cho phát triển NNĐT. Bình Dương lại là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có các chuỗi đô thị, khu công nghiệp xung quanh, gần các trung tâm kỹ thuật. Đó là những lợi thế lớn để Bình Dương tập trung phát triển NNĐT trong thời gian tới.

Hầu hết các mô hình NNĐT còn phân tán, điều này xuất phát từ nguyên nhân các huyện, thị, thành phố chưa phân vùng quy hoạch để sản xuất. Điều này đã làm hạn chế rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình mang tính định hướng nhằm chuyển giao nhân rộng từ nguồn vốn ngân sách vẫn chưa triển khai thực hiện được. Công tác chuyển giao trong thời gian qua chủ yếu thông qua các mô hình trình diễn khuyến nông, khuyến ngư với quy mô nhỏ, vốn hỗ trợ thấp nên hiệu quả mang lại chưa cao. Các nguồn lực, đặc biệt là vốn, khoa học công nghệ, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật có tay nghề để hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp vẫn còn thiếu và yếu. Nguồn lực các nông hộ có hạn nên sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm, nguồn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế…

Về phía người nông dân, tuy nhiều nông hộ đã xây dựng được các mô hình hay, hiệu quả, tuy nhiên về lâu dài các nông hộ này vẫn canh cánh nỗi lo về đầu ra cho nông sản của mình. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) cho biết: “Hiện trong tổ của tôi có 21 hội viên canh tác trên diện tích khoảng 10 ha. Do từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất vườn rau của các tổ viên đã tăng từ 30 - 40% so với những năm đầu. Tuy nhiên, đầu ra lại càng khó khăn do các siêu thị nhập hạn chế. Sản phẩm rau an toàn vẫn phải thông qua các thương lái, giá cả bấp bênh. Khác với ông Hiền, ông Huỳnh Văn Khải hiện nay vẫn có thể tiêu thụ sản phẩm rau mầm của mình ổn định. Tuy nhiên, ông Khải cho biết, thu nhập không tăng do đầu vào tăng giá, sản phẩm vẫn phải thông qua các nhà phân phối trung gian, không được dán nhãn lên sản phẩm của mình. Vì vậy những người sản xuất như ông rất mong nhận được sự hỗ trợ về tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm để đầu ra ổn định hơn.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=237
Quay lên trên