Bản lĩnh Tư Tâm - Bài 1

Cập nhật: 11-04-2015 | 09:19:33

Bài 1: Từ tài năng chế tạo vũ khí...

“Được tổ chức phân công nhiệm vụ trong ngành quân giới, tuy không được trực tiếp cầm súng xông pha nơi chiến trường như ý muốn nhưng tôi chấp hành một cách nghiêm túc. Không ngờ từ ngành này mà tôi thành danh và có nhiều đóng góp vào công cuộc kháng chiến chung của Bến Cát”, đại tá Nguyễn Hữu Tâm bộc bạch về công việc kháng chiến của ông cách đây trên 40 năm.

 Ông Nguyễn Hữu Tâm thuyết minh về cách chế tạo đầu gạt mìn chống tăng bằng cách tận dụng đạn lép của Mỹ Ảnh: C.SƠN

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của đại tá Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Cát cũ vào những ngày tháng tư lịch sử. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về quá trình tham gia kháng chiến, ông rất nhiệt tình và sôi nổi hẳn lên. Trái với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, vị đại tá nổi tiếng tại vùng đất Bến Cát anh hùng này tuy có dáng người nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát dù đã ở độ tuổi 68. Ánh mắt tinh anh, giọng nói ấm áp và đặc biệt là trí nhớ rất tốt của ông đã cuốn hút chúng tôi vào câu chuyện về cuộc đời cách mạng của ông gắn với những chiến công của vùng đất Bến Cát anh hùng. Ông kể rõ ràng, chính xác, không ngập ngừng không bỏ sót bất kỳ một chi tiết nào về quá trình hoạt động cách mạng như ông đã đọc thuộc cuốn sách của cuộc đời mình từ lâu.

Tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, ông làm du kích tại xã Thới Hòa (nay là phường Thới Hòa). Năm 17 tuổi, ông nhập ngũ tại huyện đội Bến Cát và được đưa về tỉnh học chuyên môn ngành quân giới (sản xuất mìn trái tự tạo để đánh giặc). “Được phân công nhiệm vụ trong ngành quân giới, tuy không được trực tiếp cầm súng xông pha nơi chiến trường như ý muốn nhưng tôi chấp hành một cách nghiêm túc. Không ngờ từ ngành này mà tôi thành danh và có nhiều đóng góp vào công cuộc kháng chiến chung của Bến Cát”, ông Tâm nói. Sau khi học xong ông được phân công công tác tại Xưởng Quân giới Bến Cát. Trong những năm 1964-1972, chức năng chính của đơn vị ông là sản xuất mìn trái để cung cấp cho bộ đội huyện như C61, C5, công binh, trinh sát và các xã đội trong toàn huyện để đánh giặc. Những kiến thức được học từ trường lớp chỉ là những kiến thức căn bản, bản thân ông phải cố gắng mày mò nghiên cứu để tạo ra những loại mìn dễ sử dụng, có sức sát thương cao.

Có những lúc đang nghiên cứu thuốc nổ, đạn pháo địch bắn quá gần, ông giật mình làm thuốc nổ bùng cháy xém cả lông mi, lông mày, may mà không gây ra tai nạn lớn. Biết nghề chế tạo mìn nguy hiểm nhưng với tinh thần cống hiến cho cách mạng, lòng căm thù giặc sâu sắc, ông đều cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà cấp trên giao.

Ông Tâm cho biết, cái khó lúc này là yêu cầu đạn dược ngoài chiến trường ngày càng nhiều, vũ khí phải mang tính hiệu quả cao trong khi đó nguồn nguyên liệu lại rất khan hiếm. Không bó tay trước các điều kiện khó khăn, ông ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi cách sản xuất mìn vừa ít tốn nguyên liệu nhất nhưng cũng phải bảo đảm được khả năng tiêu diệt địch đạt yêu cầu. Ông đã có sáng kiến sử dụng 2 viên đạn lép của Mỹ thay thế cho đầu gạt bằng nhôm của mìn chống tăng, giúp cho lực lượng ta tiết kiệm được nhiều chi phí. Ngoài chế tạo mìn, ông còn chế tạo, cải tiến kíp hẹn giờ của mìn, ống phóng liên thanh, bệ phóng 105mm giúp phóng được nhiều đạn và tầm bắn xa hơn… khiến cho hiệu quả sử dụng vũ khí của lực lượng ta được nâng lên.

Không chỉ chế tạo vũ khí để cung cấp cho các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện, ông còn nhận lời giúp đỡ chế tạo vũ khí cho các đơn vị quân đội khác tại các tỉnh bạn. Ông Tâm kể, có những lúc đang nghiên cứu thuốc nổ, đạn pháo địch bắn quá gần, ông giật mình làm thuốc nổ bùng cháy xém cả lông mi, lông mày may mà không gây ra tai nạn lớn. Biết nghề chế tạo mìn nguy hiểm nhưng với tinh thần cống hiến cho cách mạng, lòng căm thù giặc sâu sắc ông đều cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà cấp trên giao. Từ những thành tích đạt được, cuối năm 1969 đến 1972, ông được cấp trên tín nhiệm giao làm Trưởng xưởng kiêm chính trị viên Xưởng Quân giới huyện Bến Cát. Tuy nói là làm quân giới, chuyên sản xuất vũ khí nhưng ông cũng đã tham gia chống càn trên 50 trận, diệt 100 tên địch, 7 xe tăng và bắn rơi một máy bay địch.

 Đoạn sông khu vực cầu Ông Cộ - nơi ghi dấu trận đánh tàu địch rất sáng tạo của ông Tư Tâm Ảnh: C.SƠN

Ông Tâm kể, một trong những trận đánh mà ông nhớ mãi là trận đánh tàu địch tại cầu Ông Cộ vào đầu năm 1973. Đây là trận đánh minh chứng cho tài chế tạo mìn cũng như nghiên cứu cách đánh sáng tạo, mưu trí của ông. Tại khu vực này, địch bố trí phòng gác rất nghiêm ngặt, việc trinh sát địa hình của ta gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi nghiên cứu địa hình, địa vật, ông quyết định đánh tàu địch bằng… bè chuối, dùng dây thừng giật kíp mìn! Qua nhiều lần thử nghiệm thành công, ông tiến hành chặt chuối kết bè, bè được ngụy trang bằng lục bình. Trên bè chở 3 trái bom, pháo chờ nước ròng mới thả bè. Ngoài ra ông còn chỉ đạo dùng 12 trái pháo 105mm mang vào các cồn ruộng gần cầu đặt vào các bệ phóng hẹn giờ để kết hợp tiêu diệt sinh lực địch. Từ vị trí ta thả bè đến địch khoảng 370m, ông tính toán cần phải dùng dây thừng dài bằng khoảng cách trên để khi thả hết dây cũng là lúc dây căng để giật được kíp mìn. Kết quả trận đánh, ta đã làm chìm 1 chiếc tàu và làm thương vong một số tên địch. Ông đã được cử đi báo cáo điển hình quân khu và nhận Huân chương Chiến công hạng 3 qua trận đánh này.

Từ những thành công từ ngành quân giới cũng như trong những trận đánh đầu tiên, sau này ông Tâm được giao nhiệm vụ làm chỉ huy trực tiếp chỉ đạo chiến đấu của các các đơn vị quân đội trên địa bàn huyện. Ở mỗi cương vị ông đều có cách nghĩ, cách đánh sáng tạo, giành những thắng lợi vẻ vang.

Bài 2: Trở thành người chỉ huy tài ba

 

 CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên