Bí ẩn tượng động vật bằng đồng 3.000 năm tuổi được công nhận là bảo vật quốc gia

Cập nhật: 09-01-2014 | 00:00:00

> Kỳ 2: “Bảo vật quốc gia” nằm trong di tích khảo cổ DốcChùa

 Kỳ 3: Tượng động vật Dốc Chùa - bảo vật quốc gia

 Tượng động vật bằng đồng phát hiện tại di tích khảo cổ Dốc Chùa thuộc xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có niên đại trên 3.000 năm mang nhiều bí ẩn, là di vật gây nhiều tranh luận trong giới khảo cổ học trong việc xác định bản thân nó là động vật nào và công dụng của nó là gì?

  Tượng động vật bằng đồng gây chú ý các nhà khảo cổ học tại hiện trường

 Tượng được phát hiện trong khu mộ cổ nằm gần nơi cư trú của người xưa, là hiện vật chôn theo người chết còn gọi là vật tùy táng. Di vật tượng động vật bằng đồng là hiện vật duy nhất không có hiện vật giống hoặc gần giống nào khác trong gần 2.000 hiện vật phát hiện tại đây. Ngoài ra, nó còn là hiện vật duy nhất không có hiện vật nào giống hoặc gần giống trong hàng triệu hiện vật khảo cổ phát hiện tại Việt Nam cho đến hiện nay.

Theo PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, Giám đốc Trung tâm Khảo cổ và là Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: “Để chế tác một hiện vật có độ phức tạp như vậy đòi hỏi chủ nhân của nó phải là một cộng đồng cư dân có trình độ luyện kim đúc đồng phát triển cao. Phải xác định đây là hiện vật thuộc dạng quý hiếm. Nó không chỉ là một hiện vật bình thường, mà có lẽ là một trong những sản phẩm có ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng cư dân Nam bộ, trong quá trình chinh phục vùng đất này”. Mặc dù bản thân của tượng chưa được khẳng định là con vật gì nhưng có nhiều ý kiến trong các nhà khảo cổ học nghiêng về việc xác định nó là chó săn vì các nguyên nhân sau:

Các con vật thuộc họ hươu thường có đuôi nhỏ và ngắn trong khi tượng có đuôi dài và uốn cong ngược lên. Tượng cũng không phải là ngựa vì hàm không bạnh như hàm ngựa, tai không nhọn và vểnh lên như tai ngựa, gáy cũng không có bờm như loài ngựa, đuôi xoắn và cong lên chứ không dài, rũ xuống như đuôi ngựa... Trong tạp chí Khảo cổ học số 4/1977, TS Vũ Thế Long có một bài viết về tượng động vật Dốc Chùa và PGS-TS Phạm Đức Mạnh (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), cùng với PGS-TS Bùi Chí Hoàng cũng có nhận định tương tự nhau về tượng động vật Dốc Chùa, như sau: Đầu với mõm nhọn giống với đầu chó, khối mặt hơi thấp xuống, vùng tương ứng với ổ mắt có hai chấm lõm giống với mắt chó, đặc biệt giữa sống mũi có một vạch lõm chạy dọc từ trán đến chót mũi như ta vẫn thấy ở giống chó nhà hiện nay. Đuôi uốn cong cũng là một đặc điểm của loài chó.

Như vậy, việc chấm lõm giống những điểm chấm tròn trên hươu sao và trang trí trên lưng tượng giống yên ngựa chỉ là trang trí hoa văn bình thường cho một tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, cổ đeo lục lạc cũng có thể là chó chứ không chỉ là ngựa. Điều này cho thấy người xưa đã quý trọng con vật này như thế nào, có thể đeo cổ để trang trí như việc đeo cổ cho chó hiện nay, cũng có thể đeo lục lạc để chủ nhân của chó dễ quan sát theo dõi khi đi cùng với chó trong săn bắt?

PGS-TS Bùi Chí Hoàng còn củng cố thêm cho nhận định của mình là ở di tích khảo cổ An Sơn (tỉnh Long An), các nhà khảo cổ đã phát hiện được xương cốt của loài chó nhà có niên đại cách đây khoảng 4.500 năm. Nói như vậy có nghĩa loài chó đã được cư dân Dốc Chùa thuần dưỡng là điều có thể và nhất là loại chó săn mồi chắc chắn là được trọng dụng trong đời sống của người cổ xưa.

Tuy nhiên, người xưa đúc nên tượng con vật ngoài việc thể hiện trình độ luyện kim đúc đồng đạt đỉnh cao thì công dụng của tượng vẫn còn là những đoán định. Điều giả định đây là vật của tộc trưởng hay tù trưởng cũng còn điểm lưu ý là ngôi mộ phát hiện tượng động vật không thể hiện nét uy nghi nào cả: không có dấu vết xếp đá hoặc gốm trên nấm mộ như hầu hết các mộ khác mà ngược lại là một mộ đất bình thường trong rất ít kiểu mộ đất được phát hiện.  Quang cảnh tại một hố khai quật khảo cổ Dốc Chùa năm 1977

Còn hiện vật chôn theo ngoài tượng bằng đồng duy nhất thì không có gì đặc biệt so với các mộ khác. Tóm lại, công dụng của hiện vật vẫn còn là điều bí ẩn đòi hỏi các nhà khoa học có thời gian nghiên cứu tìm hiểu, hiện tại chỉ có thể nhận định như PGS-TS Bùi chí Hoàng: Tượng động vật Dốc Chùa là một trong những sản phẩm có ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng cư dân Nam bộ, là một di sản văn hóa của một cộng đồng cư dân cổ trong quá trình chinh phục vùng đất này.

Căn cứ vào tiêu chí của việc xếp hạng các di sản văn hóa là bảo vật quốc gia và giá trị của hiện vật, tượng động vật Dốc Chùa hiện là hiện vật độc bản có giá trị lịch sử văn hóa cao. Do đó, vào tháng 12-2013, tượng động vật Dốc Chùa được Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đề nghị là bảo vật quốc gia và được công nhận cùng với 37 hiện vật khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2599/QĐ- TTg ngày 30-12-2013. Tượng động vật Dốc Chùa hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương.

 ĐÔNG KỲ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên