Cảnh giác cao với cháy nổ!

Cập nhật: 23-11-2013 | 00:00:00

Cuối năm là thời điểm các hoạt động sản xuất - kinh doanh tập trung cao nên hàng hóa, nguyên liệu nhập kho nhiều; nhà máy sản xuất hoạt động liên tục, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến cháy nổ như: Chập điện, sự cố máy móc, bất cẩn, công nhân làm việc mệt nhọc dẫn đến chủ quan, mất cảnh giác với “giặc lửa”! Nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất - kinh doanh và phát triển; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ngăn ngừa hỏa hoạn bởi “phòng cháy hơn chữa cháy”.

 

Xe thang tiếp cận đám cháy từ trên cao, cùng tham gia chữa cháy tại Công ty Giày Đông Hưng, KCN Sóng Thần I

 Tích cực tuyên truyền, nâng cao cảnh giác

Thời gian qua, thiệt hại do cháy, nổ gây ra trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng và có chiều hướng phức tạp; đặc biệt là các vụ cháy xảy ra trong các khu công nghiệp (KCN) thường gây thiệt hại không nhỏ về tài sản. Điển hình như vụ cháy Tổng kho Sacombank và Công ty TNHH Giày Đông Hưng tại KCN Sóng Thần I (TX.Dĩ An) trong thời gian gần đây.

Để đề phòng cháy nổ, ngăn ngừa các vụ cháy lớn, cháy lan có thể xảy ra làm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Sở Cảnh sát PCCC đã tăng cường tuyên truyền hướng dẫn và kiểm tra các biện pháp an toàn PCCC; phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức triển khai, hướng dẫn các DN thực hiện nghiêm nội dung các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường PCCC. Cụ thể như: Chỉ thị số 04/CT-UBND; Chỉ thị 01/CT-UBND về việc “Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương”; văn bản chỉ đạo số 307/UBND-NC về việc “Tăng cường công tác PCCC tại các KCN, chợ, trung tâm thương mại, bệnh viện, cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, cơ sở tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp”; Kế hoạch số 91/ KH-BCA-C61 của Bộ Công an về việc “Triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn”… Từ các nội dung chỉ đạo trên, Sở Cảnh sát PCCC đã phối hợp cùng các sở, ban, ngành kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cho cơ sở thực hiện bằng nhiều biện pháp, giải pháp an toàn PCCC phù hợp với tình hình thực tế và các quy định pháp luật.

Sở Cảnh sát PCCC cũng thường xuyên phối hợp với các Ban quản lý KCN đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, công tác tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Qua đó, đã kịp thời phát hiện các thiếu sót về công tác PCCC của các DN, yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp, giải pháp an toàn PCCC, kịp thời khắc phục các hạn chế, nguy cơ dẫn đến sự cố cháy nổ. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PCCC, sở cũng đã tăng cường công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định an toàn PCCC.

Xác định trách nhiệm đến từng KCN và doanh nghiệp

Nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện an toàn PCCC đã tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, DN việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC. Trong thời gian tới, nhằm chủ động đấu tranh ngăn chặn cháy lớn, cháy lan, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra, Sở Cảnh sát PCCC yêu cầu chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN cần quan tâm thực hiện những biện pháp sau:

Đối với chủ đầu tư các KCN cần trang bị xe chữa cháy, thành lập và duy trì hoạt động của đội PCCC KCN hoạt động chuyên trách theo quy định tại Điều 21 Luật PCCC; thay vì chỉ bán chuyên trách như hiện nay. Thiết kế lắp đặt bổ sung hệ thống cấp nước chữa cháy cho các KCN bảo đảm theo quy định tại mục 10 TCVN 2622- 1995 với khoảng cách giữa 2 trụ không quá 150m và phải có kế hoạch kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng phục vụ công tác chữa cháy cho các doanh nghiệp trong KCN và khu vực lân cận.

Đối với các DN trong KCN phải thực hiện các giải pháp tăng giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xây dựng như: Sơn chống cháy, gia cố bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy; sử dụng dầu phun chữa cháy tự động để làm mát các kết cấu đối với công trình có kết cấu khung kèo thép, cột thép, mái tôn; thông gió, thoát khói tự nhiên hoặc cưỡng bức cho nhà kho, nhà xưởng; ngăn cháy bằng cách xây dựng vách tường hoặc lắp đặt màn ngăn cháy kiểu nước đối với nhà xưởng có diện tích trên 10.400m2 và nhà kho trên 20.800m2; thay thế các vật liệu dễ cháy làm vách ngăn, tường trần, sàn bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy.

Khi thay đổi tính chất sản xuất, mục đích sử dụng, cơi nới mở rộng diện tích sử dụng hoặc có sự thay đổi; các DN thuê phải kịp thời báo cáo để cơ quan cảnh sát PCCC hướng dẫn thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn PCCC; mặt khác, thường xuyên thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp các hạng mục nhà kho, nhà xưởng, thiết bị máy móc, hệ thống điện, hệ thống PCCC, bể nước chữa cháy bảo đảm yêu cầu an toàn về PCCC. Từng DN phải chú ý thực hiện công tác vệ sinh công nghiệp, không để tồn đọng nhiều phế liệu, bụi dễ cháy bám trên các cấu kiện xây dựng, thiết bị máy móc nhằm loại trừ khả năng lan truyền của lửa theo các chất cháy này.

Đặc biệt, không bố trí số lượng lớn nguyên vật liệu, thành phẩm, dung môi, hóa chất trong khu vực sản xuất, bảo đảm sử dụng trong một ca hoặc một ngày; các kho chứa nguyên vật liệu, thành phẩm, dung môi, hóa chất phải được bố trí riêng biệt, bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC. Các đơn vị duy trì tốt việc đôn đốc, nhắc nhở CBCNV thực hiện nghiêm các quy định an toàn PCCC; tổ chức thực tập phương án thoát nạn, chữa cháy cứu hộ và tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ. Tiếp tục đầu tư mua sắm trang thiết bị chữa cháy để thay thế cho số bị hỏng hóc, bảo đảm cho thiết bị hoạt động tốt, hiệu quả cao khi đưa ra sử dụng...

ĐẠI TÁ NGUYỄN VĂN SƠN, GIÁM ĐỐC SỞ CẢNH SÁT PCCC: Đối với cháy nổ, làm công tác đề phòng là chính

Khi xảy ra cháy, nổ sẽ không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, tài sản mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đối với cháy nổ, chúng ta phải tập trung tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn để đề phòng sự cố là chính! Một khi đã xảy ra hỏa hoạn thì phải kịp thời cứu chữa, nhanh chóng dập tắt và lực lượng tại chỗ luôn giữ vai trò rất quan trọng; bởi “nước xa không thể cứu được lửa gần”.

  DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên