Còn đâu áo trắng sân trường?

Cập nhật: 06-04-2014 | 00:00:00

(BDO) Những năm gần đây, bạo lực học đường bắt đầu bùng phát và lan nhanh, đặc biệt trong nữ sinh. Thỉnh thoảng, bạn đọc lại đau lòng “đón nhận” những clip bạo lực được tung lên mạng như trò mua vui của một bộ phận giới trẻ. Đây là thực trạng đáng báo động.

 Một nhóm bạn vừa đánh vừa lột đồ một nữ sinh

Ngày xưa, hình ảnh nữ sinh thường gắn liền với sự dịu dàng của tà áo dài và chiếc nón bài thơ, với những nụ cười e ấp, những cái nhìn bẽn lẽn và giọng nói nhẹ nhàng trên đôi môi hồng. Ngày nay, những giá trị đẹp ấy ở nơi sân trường dường như rất hiếm hoi. Bắt chước trào lưu Kpop, Cpop cùng các xu hướng âm nhạc, thời trang xa lạ với văn hóa truyền thống của người Việt Nam, nhiều nữ sinh tự biến mình trở thành fan hâm mộ mù quáng, tôn thờ các thần tượng ở xứ sở đâu đâu. Bước vào một ngôi trường THPT, không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm nữ sinh có cùng kiểu trang điểm, kiểu tóc và điệu bộ ăn nói y hệt… ngôi sao. Hình ảnh ăn mặc, chải chuốt của con em khiến các bậc phụ huynh lắc đầu “ngao ngán”.

Những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Chỉ tính những tháng đầu năm 2014 vừa qua, báo chí liên tục đưa tin về các clip “nữ sinh đánh nhau” được đăng tải trên You Tube, Facebook và các trang mạng khác. Vụ “Cãi nhau trên facebook, nữ sinh bị đàn chị dằn mặt giữa phố” đăng ngày 20-3 là một trong những điển hình nói trên. Chỉ vì một vài câu nói vu vơ trong lúc “chat”, một cô gái đã bị đàn chị dằn mặt trước sự chứng kiến của nhiều người. Vào ngày 2-3, một đoạn clip ngắn đăng cảnh một nam sinh túm tóc, đấm một bạn nữ cùng lớp không thương tiếc bất chấp sự can ngăn của bạn bè. Tiếp đó, vụ “Nữ sinh đánh hội đồng một cô gái trẻ” tại Đồng Nai đăng ngày 23-2 cũng là trường hợp mâu thuẫn trên Facebook dẫn tới ẩu đả tơi tả. Trước đó, bạn đọc vô cùng phẫn nộ trước loạt bài “Nữ sinh bắt bạn quỳ, đánh dã man giữa đường” tại Thái Nguyên đăng ngày 13-1. Một cô bé vừa quỳ gối vừa chịu dựng những cái tát liên tiếp vào mặt mà không ai ngăn cản. Cách đây không lâu (1-4), clip một nhóm nữ 4 - 5 người đánh tới tấp một cô gái. Chưa hả cơn giận, nhóm này còn lao tới lột phăng nội y nạn nhân trước sự hò reo cổ vũ của nhiều “nam thanh nữ tú”.

 

Tình trạng bạo lực học đường trong nữ giới ngày một gia tăng

Chuyện nữ sinh mâu thuẫn cá nhân dẫn đến bạo lực, thái độ thờ ơ, cổ xúy, a dua, lạnh lùng của những người chứng kiến… đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động. Nhiều bạn trẻ còn dùng điện thoại quay phim, chụp hình tung lên các trang mạng để mua vui, “câu like” hay buôn chuyện.

Các chuyên gia tâm lý đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về sự bùng phát thực trạng này như: Mối liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội còn lỏng lẻo; sự ức chế trong đời sống tâm lý do ảnh hưởng của gia đình; sự du nhập của văn hóa phẩm độc hại; sự phát triển, bùng nổ của đời sống công nghệ, mạng xã hội… Trong khi đó, cả học sinh và giáo viên đều thiếu hụt sự trang bị về các kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết xung đột, giao tiếp văn hóa học đường.

Hậu quả của bạo lực học đường không chỉ là những nỗi đau về mặt thể xác mà còn là sự tổn thương về mặt tinh thần, đặc biệt đối với độ tuổi vị thành niên. Cảnh cáo, kỷ luật học sinh, cho con nghỉ học có phải là biện pháp hữu hiệu? Đã đến lúc các nhà quản lý cần có sự phối hợp đồng bộ, nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ để giảm thiểu tình trạng trên. Mong các ý kiến đóng góp của độc giả để hình ảnh áo trắng sân trường không bị nhuốm màu bạo lực, để áo trắng mãi là kỷ niệm của một thời đẹp nhất.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=688
Quay lên trên