Giải pháp kiềm chế án mạng do nguyên nhân xã hội: Cần trang bị kiến thức pháp luật cho người trẻ

Cập nhật: 04-06-2021 | 08:01:41

 Những năm gần đây, liên tiếp nhiều vụ án giết người xảy ra do nguyên nhân xã hội. Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi sự quyết tâm, sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng và từng gia đình, trong đó vấn đề nâng cao kiến thức pháp luật cho thanh thiếu niên cần được quan tâm.

 Một phiên tòa xét xử bị cáo về tội giết người do Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức. Những phiên tòa như thế này luôn để lại nỗi đau xót cho người thân của bị cáo và bị hại

 “Nói chuyện” bằng bạo lực

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ án mạng thương tâm, những vụ hỗn chiến, đánh chém gây xôn xao dư luận. Khi tìm hiểu thì mới biết nguyên nhân vô cùng nhỏ nhặt, chủ yếu là những mâu thuẫn “lời qua tiếng lại” trong cuộc sống giữa người thân trong gia đình, giữa bạn bè, hàng xóm láng giềng, giữa những người chỉ mới gặp vài lần hoặc trước đó chưa gặp lần nào.

Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2020, phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh xảy ra 614 vụ. Trong đó tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội xảy ra 125 vụ. Cụ thể, tội phạm giết người xảy ra 36 vụ, đã điều tra làm rõ 36 vụ, bắt 48 đối tượng; tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra 89 vụ, trong đó 88 vụ xảy ra do nguyên nhân xã hội, đã điều tra làm rõ 85 vụ, bắt 204 đối tượng. Các con số này có giảm so với năm 2019.

Tuy nhiên, phạm pháp hình sự lại gia tăng vào đầu năm 2021. Chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ giết người, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 38 vụ cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, tăng 1 vụ so với cùng kỳ, hậu quả làm 23 người chết (tăng 8 người chết so với cùng kỳ), 71 người bị thương (tăng 18 người bị thương so với cùng kỳ). Qua phân tích của lực lượng chức năng, có nhiều vụ án mà nguyên nhân chỉ vì những lý do hết sức nhỏ nhặt. Điển hình như vụ đâm chết người liên quan đến chuyện ca hát khiến dư luận vô cùng bức xúc xảy ra ngày 24-1-2021.

Ngày hôm đó, Danh Trung (sinh năm 1995, quê Kiên Giang) cùng nhóm bạn đồng hương đến một quán ăn tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một nhậu và hát karaoke bằng loa di động. Đến 22 giờ cùng ngày, do thấy đã khuya nên anh Y. chủ quán nhắc nhở, yêu cầu tắt loa. Bực tức vì không được tiếp tục hát, nhóm Trung gây chuyện với anh Y. Thấy vậy, Đỗ Hoài Nam, là nhân viên của quán ra can ngăn thì bị nhóm Trung dùng gạch, đá, cây xúc than bằng kim loại đuổi đánh tử vong.

Mới đây, một nạn nhân vô tội đã chết cũng vì lối hành xử côn đồ của một số thanh niên. Trước đó, vào lúc 18 giờ ngày 16-5-2021, Lâm Vũ Trường An (sinh năm 1989, quê Sóc Trăng) đã cùng nhóm bạn đến ăn nhậu tại một quán ăn thuộc khu phố 3, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Bên cạnh bàn nhậu của Nam có anh Trần Văn Toàn (sinh năm 1991, quê An Giang) đang ngồi ăn cùng một số người bạn. Trong quá trình nhậu, An nhìn về phía bàn anh Toàn và nghĩ Toàn giống người trước đây từng đánh mình. An bất ngờ đứng dậy đi ra xe mở cốp lấy 1 con dao Thái Lan đâm hai nhát vào lưng khiến anh Toàn tử vong tại chỗ...

Những phiên tòa đau xót

Qua theo dõi các vụ án giết người được tòa án nhân dân tỉnh xét xử, có thể thấy những án mạng xuất phát từ mâu thuẫn nhất thời, nhỏ nhặt dẫn đến hành vi bạo lực để lại những nỗi đau xót cho người thân của bị cáo và bị hại. Nhiều vụ án xuất phát từ việc bị cáo uống bia, rượu rồi nảy sinh mâu thuẫn chỉ vì câu nói vu vơ, chọc ghẹo, một cái nhìn “đểu”, một câu nhắc nhở khi đang hát karaoke. Thay vì giải quyết vụ việc theo cách văn minh thì họ cự cãi dẫn đến việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Về vấn đề này, Trung tá Trần Tấn Thành, Phó đội Trưởng Đội hướng dẫn - Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an tỉnh, cho biết: “Trong những tháng đầu năm 2021 ghi nhận các loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng với tính chất hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân phạm tội xuất phát từ những mâu thuẫn, va chạm bộc phát trong thời gian rất ngắn như đối tượng cho rằng bị nạn nhân “nhìn đểu”, “nói xấu”, “bị làm phiền”, “phá rối” khi ăn nhậu, hát karaoke, khi làm việc trong công ty hay mâu thuẫn do ghen tuông trong tình cảm trai gái. Thậm chí nhiều trường hợp nạn nhân bị đâm chém do nhầm lẫn”.

Theo Trung tá Thành, đối tượng phạm tội rất manh động, côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật, có ý thức tước đoạt đến cùng tính mạng của nạn nhân. Nổi lên là tình trạng nhiều đối tượng cùng kéo thành nhóm đuổi đánh chết một hoặc hai nạn nhân; hoặc một đối tượng dùng hung khí đâm chết, gây thương tích cho nhiều đối tượng khác khi bị vây đánh. Nhiều nhóm thanh thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ, sử dụng các loại vũ khí thô sơ, “hàng tự chế” hẹn nhau “hỗn chiến” gây hậu quả thương tích dẫn đến chết người.

Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Vân, Giảng viên chính, Viện khoa học xã hội và Nhân văn, trường Đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh Hutech, nhận định: “Trong xu thế phát triển chung của xã hội, của đất nước, bên cạnh những thành tựu đạt được trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng… thì vẫn còn những vấn đề nhức nhối, trong đó có tình hình tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng vẫn có những diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng và nghiêm trọng cả về tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả.

Vấn đề đặt ra là do đâu, nguyên nhân nào? Thống kê tình hình tội phạm thời gian gần đây cho thấy có những vụ án mạng xảy ra xuất phát từ những nguyên nhân tưởng rất đơn giản, không nghiêm trọng, như là những mâu thuẫn nhỏ, vụn vặt trong sinh hoạt, trong cuộc sống, xung quanh vấn đề tiền bạc, tranh chấp đất đai, tình cảm cá nhân; mâu thuẫn liên quan đến cách ứng xử không làm hài lòng nhau… Một khi không chú ý giải quyết kịp thời những nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, có thể tích tụ thành mâu thuẫn lớn và thậm chí chỉ từ mâu thuẫn nhỏ nhưng các đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội ngay”.

 Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Vân, Giảng viên chính, Viện khoa học xã hội và Nhân văn, trường Đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh Hutech, cho rằng việc tăng cường giáo dục từ phía gia đình, nhà trường, xã hội rất quan trọng. Tác động giáo dục để đối tượng thanh thiếu niên hiểu biết, từ đó hình thành nhân cách tốt. Đó là giáo dục lòng nhân ái, sự tử tế… Bài học từ gia đình luôn là cơ bản, thiết thực, gần gũi; kết hợp với sự quan tâm, dạy dỗ của các thầy cô giáo để các em có được hiểu biết, có được thói quen tốt.

Các cơ quan ban ngành cùng chung tay để tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, một xã hội với nhiều mảng tích cực sẽ giúp đối tượng thanh thiếu niên phản ánh tốt qua lăng kính đánh giá của mình, giúp các em yên tâm, tin tưởng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiểu biết và quan tâm đến đời sống tinh thần, sức khỏe tâm thần nói riêng và kiến thức về tâm lý con người nói chung. Thường có quy luật là mâu thuẫn làm nảy sinh các cảm xúc tiêu cực, từ đó tác động thúc đẩy hành vi tiêu cực. Các cảm xúc tiêu cực chủ yếu là tức giận, thất vọng, hụt hẫng, buồn chán… Theo đó, cần nhận biết cảm xúc, cách đối diện với chúng, cách điều chỉnh để không làm chúng ta mất kiểm soát dẫn đến vi phạm pháp luật. Các em cần được giáo dục cảm xúc, có kỹ năng mềm để quản trị cuộc sống của bản thân.

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên