Giải pháp phát triển

Cập nhật: 23-03-2021 | 07:49:21

Huyện Dầu Tiếng có hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh tương đối đa dạng với tổng số 11 di tích, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, để địa phương trở thành một “đô thị du lịch”, huyện cũng cần những giải pháp và chương trình hành động đúng đắn, kịp thời. Nhận thức được điều đó, từ những ngày đầu năm 2021, địa phương sớm đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch.

 Học sinh trường Mầm non An Lập được nhà trường đưa đi tham quan Khu di tích lịch sử rừng Kiến An để nghe kể về truyền thống quê hương

 Nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, các ngành chức năng và địa phương có nhiệm vụ phối hợp để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân để nâng cao nhận thức về định hướng phát triển du lịch của địa phương. Huyện kỳ vọng trong thời gian tới, với ý chí, quyết tâm cao và sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp khai thác du lịch và toàn thể người dân sẽ tạo nên một thương hiệu du lịch Dầu Tiếng làm nức lòng du khách gần xa.

Kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2025 của huyện Dầu Tiếng, cho thấy địa phương đang ưu tiên các nguồn lực thích hợp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch. Trong đó, ưu tiên xây dựng các bến cảng hành khách trên tuyến sông Sài Gòn kết hợp phục vụ khách tham quan. Đồng thời thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (bãi đỗ xe, phương tiện trung chuyển, nhà vệ sinh đạt chuẩn, điện, nước, viễn thông, các trạm dừng nghỉ chân phục vụ du khách) và hoàn thiện việc xây dựng các tuyến đường kết nối cầu Xuy Nô ngoài đến cầu Xuy Nô trong (xã Thanh Tuyền) đến các vườn cây ăn trái. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo ngành du lịch và địa phương tập trung đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả; xây dựng Khu di tích lịch sử Chiến khu Long Nguyên.

Để thúc đẩy việc phát triển, huyện cũng định hướng tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch theo hướng phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn có chất lượng cao; phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí lớn, hiện đại tạo động lực phát triển du lịch.

Khách du lịch lựa chọn điểm đến dựa trên nhiều tiêu chí, tuy nhiên một trong những tiêu chí quan trọng luôn được ưu tiên là chất lượng dịch vụ, phong cách phục vụ của nhân viên ở khu du lịch đó có chuyên nghiệp, thân thiện hay không. Nhận thức điều này, huyện Dầu Tiếng đã sớm có chỉ đạo tới ngành chức năng và địa phương tích cực phối hợp tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động phát triển du lịch. Theo đó, địa phương sẽ phối hợp các đơn vị đào tạo về du lịch chuyên nghiệp tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý du lịch và nhân dân các địa phương tham gia hoạt động du lịch; phát triển lao động là người địa phương phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm trong khu vực nông thôn.

Liên kết để phát triển

Nằm trong quy hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, Dầu Tiếng được kỳ vọng sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động du lịch theo hướng liên kết vùng. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, kết nối sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ để phục vụ khách du lịch, gồm các tuyến du lịch đã được xác định tại hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ.

Trong đó, sẽ có hai tuyến phát triển chính, gồm: Tuyến TP.Hồ Chí Minh - Bình Phước - Bình Dương; tuyến TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh. tuyến TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Khu du lịch sinh thái Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng - Khu du lịch Đọt - Champa - Di tích lịch sử rừng Kiến An (xã An Lập) - vườn cây ăn trái Thanh Tuyền trong 1 ngày là một trong những lựa chọn đáng lưu tâm mà du khách ở khu vực Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh nên lựa chọn vào các dịp lễ ngắn ngày hoặc cuối tuần. Tuyến Bình Dương - Khu du lịch sinh thái Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng - Di tích lịch sử rừng Kiến An (xã An Lập) - vườn cây cao su thời Pháp thuộc (xã Định Hiệp) - vườn cây ăn trái Thanh Tuyền về Bình Dương một ngày cũng là một lựa chọn để có nhiều trải nghiệm dành cho du khách ở khu vực phía nam của tỉnh nhà.

Ứng dụng khoa học, công nghệ vào quảng bá

Một trong những hoạt động không thể thiếu trong chiến lược thúc đẩy sự phát triển du lịch của Dầu Tiếng là nhanh chóng ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Theo đó, cùng với việc tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương tại các chương trình, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh, địa phương cũng cần đa dạng hóa các hình thức quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, hội chợ về du lịch, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, xây dựng các ấn phẩm.

Ngoài ra, địa phương cũng nên khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động du lịch. Cụ thể như thực hiện các chiến dịch quảng bá thương hiệu du lịch Dầu Tiếng dựa trên nền tảng số hóa; ứng dụng rộng rãi công nghệ đặt tour, thông báo và thanh toán online để tạo sự thuận tiện cho du khách; ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch của huyện…

 KHÁNH LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên