Không gian ẩm thực đặc sản Nam bộ: Hội tụ món ngon vùng miền

Cập nhật: 11-04-2017 | 21:41:58

Không gian ẩm thực đặc sắc Nam bộ là một trong những hoạt động của Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017 kéo dài từ ngày 8 đến 12-4. Tham gia hoạt động này, 21 tỉnh, thành phía Nam đã đem đến những món ngon để hòa vào nhau thành “bức tranh” ẩm thực Nam bộ đầy màu sắc tại Bình Dương.

 Bánh canh gõ Cần Thơ thu hút đông du khách xem và thưởng thức

 Đa dạng  các món ngon

Những ngày này khi đến công viên Thành phố mới Bình Dương, không khí thật tưng bừng, nhộn nhịp bởi những tiếng đờn, lời ca và tiếng chiên, xào các món ăn đặc sản miền Nam. Với không gian ẩm thực, các tỉnh, thành được thiết kế mỗi tỉnh một khu vực riêng có mái che, theo quy cách diện tích thống nhất 60m2. Gian ẩm thực xen kẽ với không gian ĐCTT. Phần trang trí gian hàng do các đơn vị, địa phương tự hoàn thiện, bày bán giới thiệu sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương.

Đến với không gian ẩm thực nhiều du khách ví rằng, đi xong gian hàng của các tỉnh coi như mình đã được đi du lịch hết các tỉnh miền Nam. Theo du khách, mỗi tỉnh đều có những món ngon đặc trưng vùng miền, thế nhưng trong dịp Festival, họ đã đem đến đây giới thiệu nên không cần đến tận vùng quê đó cũng có thể thưởng thức các món ăn, trái cây ngon. Quả đúng như nhận định của nhiều du khách, không gian ẩm thực có đầy đủ các món ngon, đặc sản địa phương. An Giang đem đến không gian những món ăn, sản phẩm từ thốt nốt như bánh bò nướng, nước thốt nốt tươi, đường thốt nốt… Với “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” thì giới thiệu các sản phẩm từ sen (tim sen, hạt sen, mứt sen…). Đến với gian hàng của Ninh Thuận, du khách được thưởng thức những trái nho tươi, nho khô, mủ trôm thơm ngon, bổ dưỡng. Nổi danh là vùng đất phát triển kinh tế biển của khu vực phía Nam, Kiên Giang có nước mắm Phú Quốc thơm ngon và các loại khô. Riêng Bình Dương giới thiệu bánh bèo bì Mỹ Liên - được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận vào danh sách 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thu hút sự chú ý của nhiều người nhất là các gian hàng của Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng với những món bún, bánh canh, bánh xèo có mùi vị đặc biệt. Trong đó, bánh xèo Cần Thơ có vị béo ngậy của nước cốt dừa cộng với rau rừng, nước chấm thơm ngon; Sóc Trăng với bún nước lèo cay, mặn, thơm từ các loại cá; Long An lại là chỗ dừng chân lý tưởng để thưởng thức bún cá, bún mắm đặc trưng. “Mình khá bất ngờ với sự phong phú của các món ăn tại đây”, chị Hằng (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) nói. Đó cũng là lý do, 2 đêm liên tiếp cả gia đình chị đến đây để thưởng thức các món ăn đặc sản. Sau khi ăn xong, chị còn mua mang về làm quà cho người thân.

Văn hóa ẩm thực

Ẩm thực miền Nam phong phú là điểm lợi thế thu hút đông du khách đến với không gian ẩm thực, thế nhưng nét văn hóa trong từng món ăn, cũng như cách chế biến còn làm du khách thú vị hơn. Tại gian hàng của An Giang, hầu như đêm nào cũng đông khách đứng xếp hàng để được thưởng thức món bánh bò nướng thốt nốt. Món này do chị Kim Hà, người Chăm làm. Chỉ với 3 cái nồi đất nho nhỏ nhưng với lượng khách khá đông, chị phải làm liên tục. Vừa đứng chờ mua bánh, khách vừa được nghe chị Hà giới thiệu, bánh được làm bằng bột, nước thốt nốt tươi. Tất cả hòa vào nhau và tạo nên vị thơm ngon, nhẹ nhàng. Chị giải thích thêm: “Biết là đặc sản của địa phương nhưng bánh này hầu như các gia đình ở An Giang chỉ làm để đãi khách quý. Nên khi đến các gia đình An Giang,  thấy họ làm bánh bò nướng thốt nốt đãi mình có nghĩa là họ quý mình lắm!”.

“Tiếng cột cột vang lên báo hiệu cho mọi người biết hôm nay là tôi làm bánh canh gõ”, đó là cách giải thích của cô Lê Thị Hương Dung, đầu bếp của gian hàng ẩm thực Cần Thơ. Bánh canh gõ được làm từ bột gạo tươi. Sau khi bột được nhào nặn sẽ cho vào các gáo dừa và dùng cây gõ liên tục để bột chảy xuống thành sợi. Tò mò về cách chế biến món bánh canh này nên gian hàng bánh canh gõ của cô Dung rất đông khách đứng xem và thưởng thức. Cô Dung nói, ngày xưa chưa có những dụng cụ làm bánh hiện đại như ngày nay nên mọi người tận dụng nguyên liệu sẵn có trong nhà. Đối với bột làm bánh canh là bột tươi, cứng nếu không cho vào gõ sẽ không thành sợi; ngày nay có thể cho vào máy ép sợi. Thế nhưng, dù hiện đại đến đâu người dân Cần Thơ vẫn giữ nét văn hóa của mình trong cách chế biến. Tiếng gõ bột bánh còn cho mọi người biết, hôm nay nhà nấu bánh canh, mời mọi người ghé thưởng thức. Đây cũng là một cách thể hiện sự hiếu khách của người dân Cần Thơ.

Không chỉ ngon, mà còn có cách chế biến lạ nên hầu hết các gian hàng ẩm thực các tỉnh đều thu hút đông du khách ghé thưởng thức. Nhiều gian hàng bán mỗi đêm hơn 10 triệu đồng. Đó là niềm phấn khởi của các đoàn khi họ được giới thiệu đặc sản đến với mọi người, góp phần quảng bá đặc sản, hình thành sự liên kết vùng trong việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông, Tây Nam bộ.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên