Nêu gương, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu

Cập nhật: 09-10-2018 | 08:36:06

Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XII vừa kết thúc là việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất sẽ ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bình Dương, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều cho rằng, việc quy định về trách nhiệm nêu gương là một trong những giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu; lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu...

Gương mẫu và trách nhiệm, cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước tỉnh niềm nở giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Ảnh: HỒ VĂN

Phát huy những phẩm chất “chân, thiện, mỹ”

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, cho biết qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ông rất phấn khởi vì trong hội nghị này, Trung ương đã bàn sâu về vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. “Tôi rất đồng tình với chủ trương này trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề nêu gương là nội dung cần thiết của mỗi đảng viên, vì mỗi đảng viên là một tế bào của Đảng. Nếu đảng viên tốt thì Đảng ta sẽ vững mạnh. Việc nêu gương là nhằm khắc phục được những hạn chế, yếu kém, nêu cao trách nhiệm với công việc, đẩy lùi cái xấu, tránh được bệnh thành tích, háo danh; sâu xa hơn là nhằm hướng đến và phát huy những phẩm chất “chân, thiện, mỹ” của từng cán bộ, đảng viên”, ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, việc nêu gương không chỉ thực hiện ở những cán bộ, đảng viên đương chức, đối với nhiệm vụ được giao mà cần thực hiện ở tất cả các đảng viên trên từng vị trí, lĩnh vực. Đảng viên cần phải nêu gương trong việc hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, gương mẫu trong gia đình, thực hiện tốt các quy định tại nơi sinh hoạt để từ đó liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, làm gương cho quần chúng làm theo. Với những cán bộ, đảng viên đương chức, cần đẩy mạnh việc nêu gương trong việc không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn. Vì đảng viên phải hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới có thể tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo một cách hiệu quả. Để việc nêu gương phát huy hiệu quả tích cực, ngoài vấn đề nhận thức của từng đảng viên thì vai trò của tổ chức cơ sở Đảng cũng rất quan trọng. Phải phát huy được sức mạnh tập thể của tổ chức cơ sở Đảng trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát, phê bình với từng đảng viên. Cùng với đó phải có các hình thức khen thưởng đúng mức với những đảng viên thực hiện tốt để khuyến khích các đảng viên tiếp tục phát huy những cái hay, cái tốt, cái đẹp của bản thân.

Chấn chỉnh kỷ cương, đạo đức công vụ

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, hội viên Hội Cựu chiến binh phường An Bình, TX.Dĩ An, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện khá nghiêm túc, đồng bộ. Biểu hiện cụ thể là đã chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, tăng cường công tác quản lý cán bộ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Với sự vào cuộc trách nhiệm hiệu quả, gương mẫu của người đứng đầu, nhiều vấn đề phức tạp, mới phát sinh đã được giải quyết, khắc phục; qua đó góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, đơn vị, địa phương. Đội ngũ cán bộ các cấp đã đổi mới tư duy, tầm nhìn, phong cách, lề lối làm việc; trình độ, năng lực được nâng lên... từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Việc Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được Hội nghị Trung ương 8 khóa XII thống nhất có những điểm mới, đó là yêu cầu cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chiến lược phải nêu gương tốt, coi nêu gương là tiêu chuẩn lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ; trong đó tiếp tục nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, bí thư cấp ủy các cấp nghiêm túc thực hiện nêu gương cho cán bộ, đảng viên, quần chúng noi theo, nhất là trong việc thực hành đạo đức công vụ, rèn luyện đạo đức lối sống, tích cực phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kịp thời giải quyết những bức xúc chính đáng của nhân dân, xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tụy, vì nhân dân...

Nói phải đi đôi với làm

Đồng tình với Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, ông Nguyễn Lượng, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi khu phố Châu Thới (phường Bình An, TX.Dĩ An), cho biết sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, mỗi cán bộ đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đạo đức; trước hết, mình phải tự làm gương; cần nêu gương trong ba mối quan hệ với bản thân mình, với mọi người, với công việc. Trong gia đình, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái, anh chị là tấm gương cho các em. Trong nhà trường, thầy, cô giáo là tấm gương cho học trò. Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng.

“Có thể khẳng định, Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được Hội nghị Trung ương 8 khóa XII thống nhất sẽ có vai trò, ý nghĩa lớn trong phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, công tác cán bộ, tham nhũng, lạm quyền, lợi ích nhóm; làm tăng thêm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng và củng cố, tăng cường niềm tin tuyệt đối của người dân đối với Đảng”, ông Lượng nói.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua nội dung mà nhân dân rất đồng tình, đó là Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đối với quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thể hiện rõ quyết tâm trong công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ. Tuy vậy, để phát huy tốt vai trò nêu gương, công tác kiểm tra, giám sát cần phải được đặc biệt chú trọng, nhất là sự tham gia giám sát của nhân dân. Vì vậy, để quy định về nêu gương phát huy tính hiệu quả, cần có tiêu chí và giải pháp thực hiện; có cơ chế giám sát rõ ràng. Phải làm sao để người đứng đầu tự giác nêu gương. Nếu làm tốt điều này thì đây là một giải pháp tốt trong công tác xây dựng Đảng, phòng chống những biểu hiện tiêu cực, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân...

(Ông Bùi Lê Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh)

 NGỌC THANH - CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên