Nỗi buồn xe buýt!

Cập nhật: 21-09-2017 | 08:26:00

Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng một số xe buýt đã xuống cấp nên không thu hút được khách. P.V đã vào cuộc xác minh thực trạng này như thế nào? 

Hiện tại, Bình Dương có 11 doanh nghiệp vận tải thuộc quyền quản lý của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (QL-ĐHVTHKCC), Sở Giao thông - Vận tải, trong đó có 6 doanh nghiệp vận tải nội tỉnh. Ngoài một số tuyến xe buýt thuộc Công ty Becamex Tokyu còn mới và hiện đại, số còn lại đều đã cũ, cần được thay mới hoặc tân trang, bảo trì, bảo dưỡng lại.

Nói về vấn đề này, ông Vũ Quang Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Phương Trinh, chia sẻ: “Tình trạng xe xuống cấp chúng tôi không phải không biết, không phải không muốn đổi xe mới nhưng có rất nhiều lý do. Về kinh tế, chúng tôi không đủ mạo hiểm đầu tư một chiếc xe mới vài tỷ đồng trong khi lượng khách đi xe buýt ngày càng giảm. Thực tế, do đời sống ngày càng cao, sự ra đời ồ ạt các loại phương tiện cá nhân với nhiều mức giá khác nhau đáp ứng cho đủ mọi tầng lớp khiến nhiều người không còn thích đi xe buýt. Bên cạnh đó, các dịch vụ vận tải như Uber, Grab từ taxi đến xe ôm cũng đua nhau cạnh tranh giá rẻ cũng khiến lượng khách đi xe buýt bị ảnh hưởng. Chúng tôi muốn hạ giá vé và cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, nếu chúng tôi hạ giá vé thì thu không đủ chi, doanh nghiệp chúng tôi sẽ thua lỗ. Chúng tôi thật sự cần sự hỗ trợ của tỉnh để cùng doanh nghiệp giải quyết vấn đề này”.

Bên trong xe buýt tuyến Thủ Dầu Một - Suối Tiên đã xuống cấp, sàn hư, ghế rách nát, xe cũ kỹ

Được biết, Công ty Phương Trinh hiện có 40 đầu xe đang hoạt động với 5 tuyến từ Thủ Dầu Một - Bến xe miền Đông, Thủ Dầu Một đi các huyện, thị. Từ năm 2003, khi hoạt động xe buýt được hoạt động tại Bình Dương, Phương Trinh là đơn vị tham gia đầu tiên. Cũng theo ông Thanh, chính vì tự thu tự chi nên nhiều doanh nghiệp đã phải tự chèo chống “con thuyền” của mình, có doanh nghiệp đã phải cắt giảm tuyến xe buýt vì quá lỗ. Chẳng hạn, tuyến Bến Cát - Cây Trường của HTX Vận tải Bến Cát đã phải ngưng hoạt động vì không có khách, thu không đủ chi. Công ty Cổ phần Vận tải Phương Trinh thì lại đang đau đầu với tuyến Thủ Dầu Một - Thanh Tuyền (Dầu Tiếng); Thủ Dầu Một - Vĩnh Tân, bởi mỗi lượt xe số lượng khách chưa đủ để “đếm trên đầu ngón tay”.

Ông Phan Triệu Thành, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Điều hành - Quản lý cơ sở hạ tầng, Trung tâm QL-ĐHVTHKCC, Sở GT-VT tỉnh, cho biết: “Vấn đề xe buýt xuống cấp chúng tôi đã nắm được nhưng chức năng của trung tâm chỉ quản lý doanh nghiệp về hành trình hoạt động, còn phương tiện thì doanh nghiệp phải tự sửa chữa. Hiện nay hoạt động kinh doanh của các phương tiện xe buýt đều do các doanh nghiệp tự thu, tự chi, Nhà nước không trợ giá như nhiều tỉnh, thành khác, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp vì họ không có kinh phí đầu tư phương tiện khi lượng hành khách ngày càng sụt giảm. Tỉnh cũng đã có chủ trương trợ giá vé xe cho hành khách nhưng từ năm 2012 đã cắt. Đến nay, sau nhiều kiến nghị của doanh nghiệp thì tỉnh cũng đã có chủ trương trợ giá, hiện vẫn đang trong giai đoạn thu thập ý kiến góp ý của sở, ban, ngành, tổng hợp và gửi về UBND tỉnh.

Riêng vấn đề bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, hàng năm trung tâm có những đợt kiểm tra chất lượng xe, nếu xe bảo đảm chất lượng sẽ ký hợp đồng lại với doanh nghiệp, nếu chưa đủ điều kiện thì chúng tôi có văn bản gửi Sở GT-VT nhắc nhở doanh nghiệp phải sửa chữa, bảo trì nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng hành trình”.

 

TÂM TRANG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên