Phát triển nghề công tác xã hội

Cập nhật: 09-12-2015 | 12:09:24

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng nên rất cần những người làm nghề công tác xã hội (CTXH). Họ góp phần quan trọng vào việc mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những đối tượng cần sự bảo trợ xã hội (BTXH), tạo sự ổn định xã hội. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh những người học nghề CTXH rất ít, hầu hết là kiêm nhiệm chưa qua đào tạo. 

 Chị Hoàng Thị Mai (phải) đến thăm hỏi, trò chuyện với cụ Phan Thị Liên tại Trung tâm BTXH tỉnh

Chưa được đào tạo bài bản

Có mặt tại Trung tâm BTXH tỉnh, nhìn cán bộ, nữ hộ lý tại đây chăm sóc các cụ già, người lang thang cơ nhỡ mới thấy hết tấm lòng của họ. Đối với những người làm nghề CTXH, ngoài trái tim yêu thương, cần có bản lĩnh và những kỹ năng nhất định. Do đó, những người làm nghề này không chỉ làm vì mưu sinh mà làm vì tình thương yêu, mong muốn được sẻ chia. Theo những người hộ lý tại đây, nghề nào cũng có những khó khăn nhất định và đôi khi gặp sự cố. Riêng nghề CTXH, hay nói rõ hơn là nghề chăm sóc các đối tượng BTXH rất cần cái “tâm” với nghề.

Đối với chị Hoàng Thị Mai (SN 1974), Tổ trưởng Tổ hộ lý tại Trung tâm BTXH tỉnh, theo nghề này, chị chưa được đào tạo qua trường lớp nhưng trong quá trình vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chị đã “chinh phục” hoàn toàn trái tim của các cụ, được các cụ thương yêu. Nói về nghề của mình, chị bộc bạch, trung tâm không những cho chị công việc, mà còn giúp chị cảm nhận cuộc sống, biết yêu thương những mảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các tình huống bản thân vẫn gặp nhiều lúng túng do chưa có kinh nghiệm. Bởi vậy, chị rất mong được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc các đối tượng BTXH để chăm sóc tốt hơn cho các cụ.

 Cùng làm nghề CTXH nhưng công việc của những người phụ trách CTXH ở các phường, xã còn khó hơn rất nhiều so với những cán bộ tại các cơ sở, trung tâm BTXH. Họ luôn xác định mình là người sẻ chia với những phận đời, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, phần lớn người làm nghề đều đang kiêm nhiệm chức danh khác ở địa phương, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư chưa cao, thiếu tính bền vững.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, làm công tác giảm nghèo, trẻ em của phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) kể lại, nhiều gia đình khó khăn chị phải đi xin tài trợ để cho con em họ được đến trường, thế nhưng, khi nhận được số tiền giúp đỡ họ lại sử dụng hết và tiếp tục đề nghị được trợ cấp. Đối với trường hợp khác, nghe thông tin trẻ bị bạo hành, chị xuống hòa giải thì bị người cha, người mẹ phản ứng lại với những lời lẽ không hay… Còn rất nhiều trường hợp khiến chị phải “dở khóc dở cười”. Khó khăn trong công tác hòa giải, vận động là vậy, nhưng chị chưa được đi tập huấn kỹ năng, cũng như hướng giải quyết cho những vấn đề xã hội thường gặp. Chị hy vọng thời gian tới sẽ có những lớp tập huấn kỹ năng giải quyết vấn đề xã hội để chị có thêm kiến thức vận dụng vào công tác BTXH.

Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) nhận định, có thể thấy, xã hội càng phát triển, nhằm bảo đảm an sinh xã hội thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên (CTV) CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng là vô cùng cần thiết. Thế nhưng, số lượng người tham gia học nghề CTXH để đáp ứng nhu cầu vẫn còn thấp. Nguyên nhân do họ chưa hiểu về nghề này; mức hỗ trợ, trợ cấp cho những người làm CTXH chưa cao nên không thu hút nhiều người theo học, gắn bó với nghề.

Nhân lực thiếu

Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH, toàn tỉnh có 13 cơ sở BTXH, trong đó có 1 cơ sở công lập và 12 cơ sở ngoài công lập. Tổng số đối tượng BTXH tại các cơ sở khoảng 1.000 người (trong đó gần 50% là trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi). Bên cạnh đó, ngoài xã hội còn có hàng ngàn người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em lang thang, hộ nghèo… và còn hàng ngàn gia đình nảy sinh các vấn đề xã hội, hàng ngàn đối tượng vướng vào các tệ nạn xã hội… cần được trợ giúp. Nhu cầu là vậy nhưng số lượng người làm nghề CTXH trong tỉnh rất mỏng, đa số đều không được đào tạo qua trường lớp. Ông Nguyễn Phùng Trung cho biết, số lượng người làm nghề CTXH là quá ít so với nhu cầu của người dân. Hơn nữa, phần lớn người làm nghề chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư chưa cao, thiếu tính bền vững.

Giải “bài toán” thiếu nhân lực nghề CTXH, đồng thời thực hiện Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”, Kế hoạch của UBND tỉnh về tuyển chọn, sử dụng và đào tạo CTV CTXH tại xã, phường, thị trấn, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức đào tạo 2 lớp đại học chuyên ngành CTXH, hệ vừa học vừa làm. Tỉnh cũng đang xem xét nhu cầu và xây dựng kế hoạch mở lớp đại học chính quy ngành CTXH. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh luôn cử cán bộ công chức tham gia các khóa đào tạo do bộ tổ chức (lớp đào taọ cán bộ cấp cao ngành CTXH, khóa đào tạo giảng viên nghề CTXH); mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn.

Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục điều tra, khảo sát hiện trạng các cơ sở BTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, CTV CTXH; bổ sung viên chức, công chức CTXH cho những nơi còn thiếu, yếu; đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và CTV CTXH; tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH để thu hút học viên theo học phục vụ đối tượng BTXH tại các địa phương, trung tâm, cơ sở BTXH.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên