Quyền bào chữa trong vụ án hình sự

Cập nhật: 24-11-2018 | 15:28:12

Quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là một quyền hiến định được Hiến pháp 2013 của nước ta ghi nhận và được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Bào chữa là một trong những quyền cơ bản của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được ghi nhận trong BLTTHS. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các quyền này còn rất nhiều hạn chế. BLTTHS năm 2015 đã bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Đây là quy định mới, là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền bào chữa. Đó là: Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước tòa án. Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Theo quy định của BLTTHS 2015, người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Người bào chữa bao gồm: Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý.

Những người sau đây không được bào chữa: Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó, người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó; người tham gia vụ án với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.

Các quyền cụ thể của người bào chữa, gồm: Gặp, hỏi người bị buộc tội; có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói vàhoạt động điều tra khác; được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác; xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; đề nghị thay đổi người cóthẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người cóthẩm quyền tiến hành tốtụng; thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra; tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của BLTTHS.

Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, người có quyền và lợi ích liên quan trong vụ án, người đại diện pháp nhân có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa cho mình.

Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5748/ UBND-NC ngày 18-12-2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên