Tấm bản đồ má trao…

Cập nhật: 27-04-2015 | 08:44:01

Cách đây 40 năm, ở Lái Thiêu có một bà má Nam bộ, xuất thân trong một gia đình trí thức, chữ viết rất đẹp, rất giỏi tiếng Pháp và trong lòng cháy bỏng lý tưởng cách mạng. Hàng ngày, má dẫn các con lên rẫy, nhưng đêm đêm má lặng lẽ trông chờ đoàn quân giải phóng tiến về để má trao một kỷ vật cực kỳ quan trọng. Má tên là Huỳnh Thị Sáu (tự Sáu Ngẫu), năm xưa nhà ở phía bắc Lái Thiêu, nay là khu phố Thanh Bình, phường An Thạnh, TX.Thuận An.

 Người Trung đoàn trưởng năm xưa nay là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cầm chiếc đèn dầu của má Sáu Ngẫu, trong dịp ông ghé thắp hương cho má mới đây. Ảnh: X.THI

 Chiếc đèn dầu

…Đường về thành đô con chưa quen lối/ Những ngã năm, ngã ba, ngọn đèn đêm khuya ai còn thức/ Vững lòng tin mẹ ngồi đợi chúng con/ Mẹ trao ánh mắt tin yêu của quê hương đã bao năm đợi chờ… Đó là những lời ca chứa chan ân tình sâu nặng viết về má Sáu Ngẫu của nhạc sĩ Văn Thành Nho khi ông được nghe câu chuyện về má.

Trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày thống nhất, tôi lại về thăm anh Huỳnh Văn Đức - con trai má Sáu Ngẫu. Khác với những lần trước, lần này anh Đức kể rất nhiều về ba má của anh, bắt đầu từ những năm chống Pháp cho đến thời kỳ hoạt động bí mật ở Sài Gòn bị lộ, nên ba vô rừng, má chuyển lên sống ở Lái Thiêu. Thật thú vị, qua câu chuyện của anh Đức và hồ sơ tư liệu, tôi được biết, ba anh một thời phụ trách tờ báo Thủ Dầu Một, tiền thân của Báo Bình Dương ngày nay - cơ quan mà thế hệ trẻ chúng tôi đang công tác. Ba anh tên là Đinh Quang Kỳ (tự Tư Ca), quê gốc ở Hà Tĩnh. Ngay từ những năm 1943, ông Tư Ca đã được cách mạng điều vào miền Nam công tác mật. Trong những lần ngang qua Sông Bé, Tư Ca đã phải lòng cô giáo Sáu Ngẫu xinh đẹp, dạy tiếng Pháp, rồi họ nên vợ nên chồng, cùng nhau dâng hiến đời mình cho Tổ quốc.

Năm 1969, cơ sở mật của Tư Ca, Sáu Ngẫu ở Sài Gòn bị lộ nên vợ chồng phải chia xa. Ông đi thẳng vào rừng Chiến khu Đ phụ trách công tác tuyên huấn, bà lên Lái Thiêu nuôi hai con và tiếp tục hoạt động. Mùa xuân năm 1969, trên đường về xã Hòa Lợi công tác, ông sa vào ổ phục kích của địch. Trong thời khắc éo le của cuộc đời, người chiến sĩ cách mạng vẫn chống trả quân thù quyết liệt. Địch bắn ông bị thương, rồi nhục nhã xông vào giựt chiếc nhẫn cưới trên tay ông. Ông giữ vững khí tiết, mắng vào mặt quân địch rồi hy sinh anh dũng.

Anh Đức bồi hồi nhớ lại, hôm nhận được tin ba hy sinh, má con anh như chết lặng. Anh lúc đó khoảng 13 tuổi, chị gái anh tên Phước, 17 tuổi, đã cùng với má Sáu Ngẫu đi bộ lên tận nơi ba ngã xuống, thắp hương mà lòng quặn đau và rực lửa căm thù. Sau này, năm 1989, khi bà Sáu Ngẫu qua đời, anh Đức đã tìm được một lá thư má anh viết cho hai chị em lúc ba anh hy sinh. Bức thư có nét chữ rất đẹp: “… Hai con Phước, Đức, má rất buồn khi ba con hy sinh. Má có một căn nhà tranh, một mảnh đất nhỏ và một máy may…”. Phải nhiều năm sau, anh Đức mới hiểu nội dung mà bà viết dở dang cho hai con như vậy. Anh nói: “Có lẽ lúc đó má tôi quyết định sẽ lên đường thoát ly chiến đấu trả thù cho ba rồi hy sinh nên mới viết lại như thế…”.

Câu chuyện đang dang dở, bỗng anh Đức chạy vào nhà trong lấy ra một chiếc đèn dầu, được anh cất kỹ 40 năm qua. Anh nói, đây là kỷ vật còn lại duy nhất của gia đình anh. Những kỷ vật như tấm bản đồ và nhiều thứ khác đã được Bộ Quốc phòng đưa về bảo tàng hết. Anh cố tình giữ chiếc đèn lại để làm kỷ niệm với má anh. Chiếc đèn dầu được bộ đội làm bằng sắt, cao chừng một gang tay. Đối với anh Đức đây là kỷ vật có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Anh kể lại: “Đêm 29-4, khi tiếng súng quân ta nổ dồn dập khắp chiến trường, tôi thấy má tôi không ngủ, cứ đi ra, đi vào cầm chiếc đèn trên tay. Sau này tôi mới biết, đó là ám hiệu của cơ sở cách mạng được quy ước từ năm 1968”.

Đêm hôm ấy…

Anh Đức nhớ lại, sáng ngày 29-4, bà Sáu Ngẫu dậy rất sớm thắp hương lên bàn thờ chồng rồi giục anh lên rẫy gấp. Khoảng 3 giờ chiều, má Sáu Ngẫu lại bảo: Về thôi, về gấp! Hai má con anh nhanh chóng vác lên vai rất nhiều khoai mì trở về. Ra đến đường lộ đã thấy xe tăng của quân ta xếp hàng dài cả con đường. Vào nhà, khoảng 19 giờ tối, má Sáu sai anh nấu sẵn nước sôi, chạy đi mua nhiều mì rồi má con anh ngồi im lặng, đợi chờ!

Đoàn xe tăng ngoài kia là của bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 27, Quân đoàn 1 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính ủy Trịnh Văn Thư chỉ huy, đang dừng lại chuẩn bị sáng 30-4 đánh vào chi khu Lái Thiêu. Các anh đang trinh sát chiến trường! Lực lượng địch phía trước như thế nào, quân số bao nhiêu tên, công sự, vũ khí bố trí ra sao… là những điều các anh cần biết trước giờ nổ súng. Nhưng bây giờ làm sao để biết?! Thời gian không cho phép bộ đội dừng lại lâu. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đang suy nghĩ và chợt nhớ lại các quy định mật của trung đoàn: “Ký hiệu của Trung đoàn 27 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là BK 19. Mật danh của ông là (Phong) và Chính ủy Trịnh Văn Thư là (Hàm). Mật khẩu hỏi: Hồ Chí Minh. Đáp: Muôn năm. Trên ngực mỗi người có miếng vải đỏ”. Kiểm tra lại quy ước mật xong, người Trung đoàn trưởng đưa mắt nhìn vào một mái nhà tranh đang le lói ngọn đèn dầu từ chập tối đến giờ. Lập tức, anh cho bộ đội triển khai “bao vây” ngôi nhà. Một trinh sát gõ cửa. Cốc, cốc, cốc! Trong nhà có tiếng vọng ra. Ai đấy? Chúng tôi là quân giải phóng - người chiến sĩ trả lời. Bỗng cửa nhà mở ra, một bà má giơ cao ngọn đèn dầu và nhìn thấy miếng vải đỏ trên ngực bộ đội. Má nghiêm nét mặt, xúc động hô to: Hồ Chí Minh. Quá vui mừng vì gặp được cơ sở cách mạng, các chiến sĩ đáp lại: Muôn năm. Muôn năm, tiếng vang dậy cả khu rừng. Anh Đức lúc này đã bắt đầu hiểu dần sự việc, nhanh chóng nấu mì, rót nước mời bộ đội uống. Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc bồng anh tung lên không gian cười vui vẻ.

Thời gian không cho phép mọi người trò chuyện lâu. Chỉ huy Trung đoàn 27 mở tấm bản đồ (loại của Mỹ) trải lên bàn và nhờ má thông tin chi tiết về quân địch ở chi khu Lái Thiêu. Nhìn tấm bản đồ của Mỹ, má Sáu Ngẫu xua tay và đi vào nhà trong lấy lên một tấm bản đồ khác đã úa vàng. Má nói trong xúc động: “Đây là tấm bản đồ của anh Tư Ca, chồng má đã vẽ rất chi tiết trong những ngày xuống đường năm Mậu thân 1968”. Trước lúc hy sinh, ông Tư Ca đã kịp giao cho má bản đồ này và dặn, khi nào quân giải phóng tiến về thì trao lại. Kể từ đó, mỗi khi quân địch thay đổi vị trí, quân số, phạm vi lực lượng trên toàn tuyến phòng thủ từ chi khu Lái Thiêu vào Sài Gòn, má đều vẽ lại và thuộc nằm lòng.

Cầm tấm bản đồ trên tay, Ban chỉ huy Trung đoàn 27 mừng như mở cờ trong bụng. Mọi người đứng dậy cảm ơn và tạm biệt má để xông vào trận chiến, thề quét sạch quân địch, mở đường cho đại quân ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Lúc đó vào khoảng 3 giờ sáng, đoàn quân lập tức vào trận. Chợt cậu Đức chạy theo níu áo bộ đội, nói: Các anh đi rồi, mai địch bắt má em bỏ tù thì sao. Trung đoàn trường Nguyễn Huy Hiệu trả lời: Em yên tâm, ngày mai anh sẽ trở lại.

Câu chuyện về má Sáu Ngẫu xin tạm dừng ở đây. Lúc tôi ra về, anh Đức nói rằng, cho đến bây giờ, anh vẫn không sao quên được buổi chiều ngày 1-5-1975, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và các chiến sĩ đã giữ đúng lời hứa, quay lại thăm má con anh trong niềm vui chiến thắng. Bà con Lái Thiêu đứng chật hai bên đường, gửi vào tay các anh bộ đội những bịch măng cụt, bòn bon, dâu… và cả những đóa hoa tươi thắm. Riêng Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, người bế anh tung lên trời cười vui vẻ hôm trước đã không trở lại. Anh hùng Hoàng Thọ Mạc đã hy sinh bên cầu Vĩnh Bình trước một giờ chiến tranh kết thúc.

 KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên