TX.Tân Uyên: Kiên quyết lập lại trật tự hoạt động kinh doanh phế liệu

Cập nhật: 09-05-2018 | 08:29:32

Hiện trên địa bàn TX.Tân Uyên có 86 cơ sở kinh doanh phế liệu (gọi tắt là cơ sở) hoạt động, trong đó có gần một nửa cơ sở không bảo đảm về vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy. Trước tình trạng trên, chính quyền các cấp TX.Tân Uyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lập lại trật tự đối với hoạt động kinh doanh ngành nghề này.

Nhiều cơ sở vi phạm

Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, địa bàn TX.Tân Uyên xuất hiện nhiều cơ sở thu gom, xử lý phế liệu. Các cơ sở này đã xử lý một lượng lớn rác thải phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các cơ sở đã phát sinh một số bất cập như chưa tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy… Điển hình tại xã Hội Nghĩa có đến 16 cơ sở đang hoạt động, nhưng đa số không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GPKD). Các cơ sở này chủ yếu nằm trong khu dân cư. Nhiều cơ sở không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Bên cạnh việc gây ô nhiễm, các cơ sở này không bảo đảm phòng cháy chữa cháy.


Nhằm lập lại trật tự hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn, Tổ kiểm tra liên ngành xã Hội Nghĩa tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở cơ sở phế liệu chấp hành chủ trương di dời của địa phương

Chị Cao Ngọc Ý, ngụ ấp 4 xã Hội Nghĩa tỏ ra lo lắng khi nói về vấn đề này: “Tôi được biết ở ấp 4 có ít nhất 5 cơ sở. Nhà của tôi cũng nằm liền kề một cơ sở. Hàng ngày, cơ sở này thu mua bao nylon, vải vụn, chai nhựa… thậm chí có cả thùng đựng hóa chất. Sau đó, họ phân loại ngay tại khu đất trống trước nhà. Phế liệu nào còn ướt thì đem phơi ngoài trời. Có hôm, họ rửa những thùng nhựa có mùi hóa chất rất khó chịu. Những loại phế liệu không thể bán thì họ đốt ngay tại chỗ. Nếu không may xảy ra cháy lan thì hậu quả rất khó lường”.

Ông Huỳnh Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Hội Nghĩa cho biết: “Hiện địa phương có 16 cơ sở hoạt động (phát sinh mới 2 cơ sở so với năm 2017). Tất cả các cơ sở này đều không có GPKD và tận dụng đất nhà để làm nơi chứa phế liệu nên không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy. UBND xã đã ra quyết định xử phạt 6 cơ sở và vận động di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh”.

Tuy nhiên cũng theo ông Đức, mặc dù UBND xã đã xử phạt nhưng một số cơ sở vẫn cố tình hoạt động. Bên cạnh đó, các chủ cơ sở có ý định di dời vào vùng quy hoạch kinh doanh phế liệu nhưng gặp khó khăn trong việc tìm thuê mặt bằng. Một số chủ cơ sở không có khả năng thuê hoặc mua đất trong khu quy hoạch để tiếp tục kinh doanh. Ngoài ra, một số chủ đất trong vùng quy hoạch không có tại địa phương nên UBND xã gặp khó khăn trong việc liên hệ để tạo điều kiện cho chủ cơ sở thỏa thuận giá thuê mặt bằng.

Trong khi đó, phường Thái Hòa cũng trở thành điểm “nóng” về hoạt động kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ông Nguyễn Trung Thật, Phó Chủ tịch UBND phường Thái Hòa cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thị xã, UBND phường đã tổ chức kiểm tra các cơ sở phế liệu trên địa bàn. Kết quả, UBND phường đã lập biên bản xử phạt hành chính 8 cơ sở không có GPKD, đồng thời yêu cầu các cơ sở cam kết di dời đến khu vực được kinh doanh phế liệu của địa phương và liên hệ các ngành chức năng hoàn tất thủ tục pháp lý để tiếp tục kinh doanh. Riêng 4 cơ sở không có GPKD và nằm ngoài vùng quy hoạch nhưng vẫn cố tình chây ỳ không thực hiện di dời hoặc ngưng hoạt động, UBND phường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tiến hành cưỡng chế theo quy định”.

Kiên quyết xử lý

Nói về công tác kiểm tra và xử lý các điểm kinh doanh phế liệu trên địa bàn trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Thật cho biết thêm: “UBND phường tiếp tục kiểm tra nhắc nhở các cơ sở thực hiện đúng cam kết di dời đến khu vực quy hoạch. Địa phương tiếp tục chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp cố tình hoặc không chấp hành quy định. Trường hợp các cơ sở cố tình không thực hiện, UBND phường sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời kiến nghị UBND thị xã tiến hành cưỡng chế”.

Đối với xã Hội Nghĩa, ông Huỳnh Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với phương châm chủ yếu là tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ cho các cơ sở tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật khi hoạt động, địa phương luôn tạo mọi điều kiện để các cơ sở được hoạt động kinh doanh khi đã hoàn thiện các yêu cầu mà pháp luật đã quy định hoặc tạo điều kiện vay vốn, mở lớp đào tạo để chuyển đổi ngành nghề. Đối với các cơ sở sau nhiều lần vận động, tuyên truyền nhắc nhở mà vẫn không thực hiện, địa phương tiếp tục kiểm tra ghi nhận các sai phạm để kiến nghị UBND thị xã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Địa phương cũng thành lập tổ kiểm tra liên ngành để thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Ngoài ra, UBND xã tiếp tục kiến nghị UBND thị xã bổ sung thêm khu vực được kinh doanh phế liệu tại địa phương”.

Trong khi đó, nhằm chấn chỉnh và lập lại trật tự đối với ngành nghề kinh doanh phế liệu trên địa bàn, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TX.Tân Uyên đã tham mưu UBND thị xã quy hoạch vùng kinh doanh phế liệu với tổng diện tích 86,8 ha thuộc địa bàn các xã, phường: Tân Vĩnh Hiệp, Uyên Hưng, Thái Hòa, Tân Hiệp, Phú Chánh, Vĩnh Tân, Hội Nghĩa, Thạnh Phước và Khánh Bình. Sau đó, các xã, phường đã tổ chức triển khai công bố vùng quy hoạch kinh doanh phế liệu, hướng dẫn các cơ sở di dời vào vùng quy hoạch. Để đánh giá kết quả công tác di dời, Phòng TN-MT đã tổ chức kiểm tra các cơ sở hoạt động trên địa bàn. Qua rà soát kiểm tra, hiện nay trên địa bàn TX.Tân Uyên có 86 cơ sở đang hoạt động, trong đó, có 46 cơ sở có GPKD và 40 cơ sở không có GPKD. So với năm 2017, số lượng cơ sở hoạt động có GPKD giảm (46/57 cơ sở), ngược lại cơ sở không có GPKD lại tăng (40/21).

Trước tình hình đó, Phòng TN-MT kiến nghị UBND thị xã cho phép 10 cơ sở hoàn tất thủ tục pháp lý để tiếp tục hoạt động và cho tồn tại 6 cơ sở có GPKD ngoài quy hoạch nhưng kinh doanh gọn gàng và xa trục đường giao thông chính. Riêng đối với 67 cơ sở ngoài quy hoạch, Phòng TN-MT kiến nghị UBND thị xã buộc cưỡng chế di dời.

Ngoài ra, Phòng TN-MT cũng kiến nghị UBND thị xã giao trách nhiệm các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để các cơ sở kinh doanh phế liệu lẫn chất thải nguy hại, kiên quyết không để phát sinh mới các cơ sở hoạt động không phép kể từ ngày 30-4-2018. Nếu địa phương nào tiếp tục để phát sinh mới các cơ sở thì Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm trước UBND thị xã.

Phát biểu trong cuộc họp với lãnh đạo các ngành chức năng và UBND các xã, phường về công tác kiểm tra và xử lý hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn, ông Ngô Quang Sự, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên đề nghị ngành chức năng rà soát lại số liệu các cơ sở cũng như các quy định, quy trình cấp phép kinh doanh phế liệu để thực hiện đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu các xã, phường tăng cường kiểm tra, cưỡng chế, buộc các cơ sở ngoài quy hoạch di dời vào vùng quy hoạch, lấy xã Tân Vĩnh Hiệp làm điểm học tập kinh nghiệm vì đã di dời được 5 cơ sở vào khu vực được kinh doanh phế liệu. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chôn lấp phế liệu trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, ông Sự cũng đề xuất thành lập đội kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường kiểm tra tổng quát, toàn diện các cơ sở.

Ngoài ra, trong cuộc họp, UBND các xã, phường cũng kiến nghị UBND thị xã xem xét điều chỉnh quy hoạch vùng kinh doanh phế liệu cho phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Đồng thời, đề nghị Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 5 hướng dẫn các cơ sở lập thủ tục đăng ký và trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy theo quy định.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên