Về với vùng biên

Cập nhật: 29-11-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Những người lính ở Đắc Ơ

Vượt qua gần 200km đường bộ từ Bình Dương với những đoạn đèo dốc, ngoằn ngoèo hiểm trở, cuối cùng, chúng tôi đã đến được Đồn Biên phòng 783 thuộc Bộ đội Biên phòng Bình Phước đóng tại xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Giữa muôn trùng rừng núi, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở đây không chỉ ngày đêm canh giữ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia mà còn sống nghĩa tình với dân làng thuộc xã Đắc Ơ. Nhiều dân làng hay tin có CBCS của đồn tới thăm, người già, trẻ con tay bắt mặt mừng thắm thiết... 

Tuần tra, công việc hàng ngày ở vùng biên giới

 

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Khi chúng tôi vừa đến thăm Đồn Biên phòng 783, câu nói cửa miệng của các anh là: “Chào các đồng chí đến thăm, nơi đây đồn là nhà, biên giới là quê hương”, nghe xong càng làm cho chúng tôi xúc động. Đại úy Nguyễn Hải Trung giải thích, ở đồn, anh em xem nhau như người trong một nhà, sống đoàn kết, gắn bó với nhau để cùng vượt qua khó khăn, giữ gìn vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. “Anh thấy đó, giữa rừng núi bao la như thế này mà anh em sống không gắn bó với nhau thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ được. Do đó, khi đến với đồn, anh em đã được chỉ huy quán triệt tốt mọi nhiệm vụ được giao” - Đại úy Nguyễn Hải Trung nói.

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Thanh Giỏi tâm sự, quê em ở Lộc Ninh, em vào đồn được 6 tháng nay. Những ngày đầu xa nhà, lại đóng quân nơi địa bàn biên giới xa xôi, nhiều lúc em nhớ nhà và buồn lắm. Tuy nhiên, sống và học tập tại đây, dần dần em cảm thấy rất gần gũi với đồn và cả người dân vùng biên giới. Từ khi vào đồn thực hiện nhiệm vụ cho tới nay, chỉ huy đều quan tâm tận tình và giúp đỡ em học thêm nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống để em tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao, gắn bó với địa bàn. Còn chiến sĩ trẻ Điểu Chốt - dân tộc S’Tiêng nói: “Em rất hãnh diện khi khoác lên mình màu áo lính biên phòng. Em sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao và tình nguyện ở lại đồn công tác lâu dài để giúp đỡ bà con, dân tộc mình”.  

CBCS của đồn luôn quan tâm đến đời sống người dân vùng biên giới

 

Những gì các chiến sĩ trẻ kể càng làm cho chúng tôi hiểu rõ hơn những khó khăn của các CBCS biên phòng nơi đây. Trung tá Nguyễn Công Hoành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 783 cho hay, nhiệm vụ của đồn là gìn giữ vùng biên giới dài 16,5km thuộc xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước giáp với biên giới Campuchia. Thực hiện nhiệm vụ của cấp trên giao, CBCS của đồn luôn phát huy tinh thần “xung kích” trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Hàng tuần, hàng tháng, đồn chỉ huy luân biên cho CBCS tăng cường tuần tra vùng biên giới, cử CBCS cùng sống, cùng ở với người dân để tăng cường tình đoàn kết giữa CBCS và nhân dân trong xã Đắc Ơ. Qua đó, hình ảnh CBCS biên phòng và nhân dân luôn khắng khít.      

Theo Trung tá Nguyễn Công Hoành, mặc dù đồn mới được thành lập từ tháng 6-2004, tuy nhiên qua hơn 7 năm có mặt tại xã Đắc Ơ, CBCS của đồn đoàn kết, gắn bó thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. CBCS của đồn luôn giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm. Do vậy, ngoài nhiệm vụ tuần tra, canh gác gìn giữ chủ quyền biên giới, CBCS của đồn còn tích cực kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng làm rẫy, không nghe kẻ xấu xúi giục vượt biên trái phép, thực hiện tốt phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự thôn, ấp khu vực biên giới.

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Ở Đắc Ơ, người lính biên phòng luôn phải vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để hiểu rõ hơn những khó khăn của CBCS nơi đây, chúng tôi đã theo chân các chiến sĩ đi tuần dọc chiều dài của tuyến hơn 16km, có nhiều đoạn rừng rậm rập với những đèo dốc thẳng đứng nhưng các anh cũng đã chỉ dẫn cho chúng tôi cách khắc phục khó khăn để vượt qua. Chiến sĩ Nguyễn Thanh Giỏi cho hay, lúc đầu em cũng “ngán lắm” nhưng nhờ các anh đồng đội hướng dẫn nên em quen dần, nhất là cách đi tuần khu vực rừng rậm, dọc theo những khe suối chạy suốt tuyến giáp biên giới với đất nước bạn Campuchia.

Trung tá Hồ Bá Anh, Chính trị viên, Bí thư Chi bộ của đồn cho hay, ở tuyến biên giới này, do địa hình rất hiểm trở. Do đó, khi đến với đồn, tất cả CBCS đều được huấn luyện kỹ lưỡng các kỹ năng băng rừng lội suối, ý chí vượt qua khó khăn của người chiến sĩ biên phòng luôn được phát huy cao độ. Trong năm 2011, qua tuần tra, CBCS của đồn cũng đã phá được 2 vụ buôn bán ma túy, bắt 4 đối tượng bàn giao công an xử lý. Ngoài ra, CBCS của đồn kết hợp với chính quyền xã Đắc Ơ bắt được nhiều vụ trộm cắp xe gắn máy, đồ dùng sinh hoạt của người dân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở xã Đắc Ơ có đến 13.000 nhân khẩu, trong đó có nhiều dân tộc như S’Tiêng, Khơme, Tày, Nùng... Trong đó, dân tộc S’Tiêng chiếm 42% dân số. Do vậy, ngoài nhiệm vụ giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, CBCS của đồn đã tham mưu cho chính quyền xã Đắc Ơ thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới. Già làng Điểu Nghen, thôn 2, xã Đắc Ơ khen ngợi: “CBCS của đồn đã thật sự sống gần dân, hiểu dân, cùng dân thực hiện tốt nhiều chương trình vùng biên giới như làm đường, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ, tư vấn giúp người dân cùng thoát nghèo, vượt qua khó khăn. Từ khi có đồn 783, bà con trong xã được nhờ mọi việc. Các anh bộ đội đã giúp dân làng vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần như tặng quà cho bà con trong dịp lễ tết, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho bà con. Nhiều chiến sĩ còn giúp bà con học chữ. Nghĩa tình giữa bộ đội và người dân luôn thắm thiết, khắng khít”. 

Cái khó của các người lính ở Đắc Ơ là phải sống trong địa hình hiểm trở và thiếu nước sinh hoạt hàng ngày. Giải thích vấn đề này, Trung tá Hồ Bá Anh nói, do khu vực đồi núi hiểm trở nên chúng tôi đã nhiều lần khoan giếng nhưng ở khu vực này không có mạch nước. Để có nước sử dụng cho cả đồn, chúng tôi đã đầu tư nhiều hồ chứa nước mưa. Tuy nhiên, lượng nước mưa cũng chỉ dùng được khoảng 4 tháng trong năm. Do đó, giải pháp khắc phục khó khăn của đồn là mỗi lần thiếu nước, CBCS phải xuống suối tắm giặt và lấy nước lên đồn dự trữ. Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn thiếu thốn về vật chất, đồn đã quán triệt các chiến sĩ trồng thêm rau sạch và chăn nuôi gia súc. Chỉ tiêu tiết kiệm mọi thứ cũng được quán triệt đến từng CBCS.

Có thể nói, những người lính ở Đắc Ơ phải sống trong địa hình hiểm trở, nhiều khi mưa dầm đường đi khó khăn, lúc nắng cháy, đêm sương lạnh, các anh tự khắc phục khó khăn. Nói như Trung tá Hồ Bá Anh: “Với đặc thù về điều kiện công tác, ăn ở như hiện nay, CBCS của đồn đang đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí gian khổ, hiểm nguy. Song, vượt lên tất cả nhưng khó khăn đó, CBCS của đồn luôn xem đồn như ngôi nhà của mình, biên giới là quê hương. Đây là động lực giúp CBCS luôn nêu cao nhiệm vụ giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

HỒ VĂN

Kỳ 2: Tiếp sức cho vùng biên giới

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên