An toàn vệ sinh thực phẩm: Những tín hiệu đáng mừng

Cập nhật: 14-01-2014 | 00:00:00

Trước đây, mỗi lần đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các chợ trên địa bàn tỉnh luôn có khoảng 80% trường hợp phải lập biên bản xử phạt hành chính, nhưng thời gian này, qua kiểm tra các hộ kinh doanh tại 3 chợ (Thủ Dầu Một, Búng, Lái Thiêu), tỷ lệ vi phạm về giá và ATVSTP đã giảm đáng kể.   

Lực lượng chức năng chứng kiến tiểu thương tại chợ Lái Thiêu (TX.Thuận An) tự nguyện tiêu hủy tại chỗ sản phẩm chả lụa có sử dụng hàn the

Chuyển biến tích cực

Qua kiểm tra 522 hộ kinh doanh tại 3 chợ Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Búng, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 23 vụ vi phạm về giá và ATVSTP (mì vàng, chả bò, chả lụa, tàu hủ có dư lượng hàn the, cải thảo, cà chua có dư lượng chất bảo vệ thực vật). Qua kiểm tra, đoàn đã lập biên bản xử lý các hộ kinh doanh, buộc tiêu hủy tại chỗ các sản phẩm vi phạm ATVSTP.

Đó là đánh giá của Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nguyễn Thành Danh về kết quả kiểm tra giá và ATVSTP tại địa bàn chợ Thủ Dầu Một, Búng, Lái Thiêu trong 2 ngày vừa qua. Cụ thể, tại chợ Thủ Dầu Một, trước đây khu vực dành cho các quầy bán thịt, hải sản thường rất lầy lội thì nay tình trạng này đã được khắc phục đáng kể. Bằng những quy định của Ban quản lý chợ và sự tự giác của bà con tiểu thương, người mua đã cảm thấy đỡ ngán ngại khi đến mua hàng ở những khu vực này. Tại các quầy bán thức ăn trong ngày (khu vực chợ đồng hồ), các hộ kinh doanh bún tươi, phở, bánh bèo… người bán đã biết thu hút khách bằng những tủ kính đựng thức ăn vừa hợp vệ sinh vừa bắt mắt, người phục vụ sử dụng bao tay để lấy thức ăn cho khách… Tương tự, tại chợ Lái Thiêu, chợ Búng, các gian hàng kinh doanh thủy hải sản, thịt heo đều đã cách xa nguồn ô nhiễm (rác). Ngoài ra, chợ được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, nếu hộ nào vứt rác bừa bãi sẽ bị nhắc nhở, xử lý nghiêm... Ghi nhận chung cho thấy, các tiểu thương tại 3 chợ nêu trên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống đều có giấy chứng nhận kiểm dịch, hầu hết tiểu thương chấp hành niêm yết giá rõ ràng, nghiêm túc... Bà Đỗ Thị Minh, chủ sạp rau củ quả trên đường Võ Tánh, chợ Búng (TX.Thuận An) cho biết: “Gần đây, chúng tôi đã được Ban quản lý chợ, ngành chức năng kiểm tra, tập huấn về các quy định của pháp luật. Tôi nghĩ, kinh doanh thì phải chấp hành quy định, tôi chỉ lấy hàng và bán sản phẩm có nguồn gốc, niêm yết giá rõ ràng để người mua dễ nhận biết”.

Ông Danh cho biết: “Thời gian qua, nhận thức về vấn đề ATVSTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, người kinh doanh nhìn chung đã có những chuyển biến rõ rệt, điển hình là tiểu thương tại một số chợ. Đây là chuyển biến tích cực khẳng định hiệu quả của Pháp lệnh ATVSTP đã có hiệu lực (tháng 8-2013), bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, phổ biến về ATVSTP được quan tâm và tăng cường hơn năm trước. Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát đã được ngành vạch kế hoạch và thực hiện đúng tiến độ, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nhất là doanh nghiệp và người tiêu dùng (NTD)”.

Những hạn chế cần khắc phục

Thực tế qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng các tiểu thương nhập hàng với khối lượng lớn theo từng bao, túi lớn, có trọng lượng từ 20.000 - 50.000kg rồi tách ra từng ký bán lẻ cho NTD. Các sản phẩm đó (bánh, kẹo, mứt, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến…) hầu như không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Đó là chưa kể các loại bao bì không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm rất lớn đối với người sử dụng. Khá nhiều hộ kinh doanh có treo bảng giá nhưng chỉ ghi qua loa một số mặt hàng, hoặc ghi chữ rất nhỏ, nhòe nhoẹt, khó nhìn thấy. “Niêm yết giá như vậy, khách mua khó mà biết được giá từng món hàng cụ thể. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho người mua hàng. Dù ngành đã có hướng dẫn mẫu bảng giá nhưng vẫn còn rất nhiều hộ chưa thực hiện đúng”, một cán bộ QLTT cho biết. “Tình trạng thực phẩm có chứa chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở một số điểm kinh doanh chưa chấm dứt hẳn. Nguyên nhân do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập thấp nên ngành chưa mạnh tay xử lý nghiêm theo quy định (chỉ động viên tự hủy hàng hóa vi phạm, nhắc nhở), không xử phạt hành chính. Mặt khác, đa số các trường hợp vi phạm đều không khai báo được nguồn gốc thực phẩm nên không thể giải quyết tận gốc”, ông Danh giải thích.

Một vấn đề khó khăn khác, trong quá trình chờ kết quả test nhanh, khi chưa có kết luận sản phẩm vi phạm ATVSTP, lực lượng chức năng không có căn cứ pháp lý để tạm giữ hàng hóa. Từ thực tế này, xảy ra tình trạng đối phó bởi khi lực lượng chức năng quay lại, hộ kinh doanh đã nhanh chóng cất giấu hàng hóa vi phạm hoặc thông báo đã bán hết hàng. “Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, chúng tôi sẽ tiếp tục thanh kiểm tra kết hợp tuyên truyền vận động. Trong đó, tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh, bày bán các sản phẩm hàng hóa không thể hiện rõ các thông tin quy định về nhãn mác, cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, trọng lượng, thành phần theo quy định. Đồng thời, giám sát kiểm tra chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm nhằm phát hiện các chất cấm, bảo vệ NTD”, ông Danh nói.

Mặc dù tỷ lệ vi phạm ATVSTP đã giảm, ý thức của tiểu thương ở các chợ đã và đang được nâng cao. Tuy nhiên, với những tồn tại và thực trạng nêu trên vẫn là vấn đề khiến nhiều người quan tâm, lo lắng. Ngoài việc chủ động lựa chọn những thực phẩm an toàn, NTD vẫn trông chờ vào sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm của các cấp, ngành chức năng về ATVSTP.

• TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=254
Quay lên trên