Bình Dương cần duy trì mức sinh thay thế

Cập nhật: 04-10-2016 | 07:07:00

Đó là điều mà tiến sĩ (TS) Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã khẳng định sau chuyến thăm và làm việc tại Bình Dương vừa qua…

TS Lê Cảnh Nhạc (đứng) phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh

- TS đánh giá về nét nổi bật trong công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Bình Dương như thế nào?

- Trước hết, Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá rất cao sự quan tâm, đầu tư của tỉnh Bình Dương cho công tác DS trong thời gian qua. Sự đầu tư trước hết là về con người, nhân sự, hệ thống cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã, từ cán bộ chuyên trách cho đến cộng tác viên và cả nguồn lực kinh phí Bình Dương cũng đầu tư cho công tác DS rất tốt. Có thể nói, công tác DS của Bình Dương trong thời gian qua đã thu được những kết quả hết sức khả quan. Hiện nay, về mặt mức sinh Bình Dương đã kiểm soát ở mức thấp. Bình Dương là một trong những tỉnh có tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp nhất cả nước. Tuổi thọ trung bình của người dân Bình Dương cao hơn cả nước hơn 2 tuổi. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi chết bình quân bằng một nửa của cả nước… Đó là những thành công rất lớn trong công tác DS của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, về tổ chức bộ máy, thời gian tới nếu chúng ta vẫn cứ giữ mô hình như hiện nay thì sẽ gặp khó khăn.

- Cụ thể, khó khăn đó là gì, thưa TS?

- Hiện nay, công tác DS-KHHGĐ đang chuyển hướng chiến lược từ DS-KHHGĐ sang DS và phát triển. Công tác DS theo tinh thần Kết luận 119 của Ban Bí thư Trung ương Đảng có 2 vấn đề: thứ nhất, đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Bí thư Trung ương khóa XIII ra nghị quyết mới về công tác DS theo định hướng mới của công tác DS; thứ hai là chuyển hướng chiến lược từ DS-KHHGĐ sang DS và phát triển với 6 nội dung quan trọng: kiểm soát mức sinh và giữ được mức sinh thay thế (vấn đề này Bình Dương đang rất lo ngại bởi xu thế DS xuống thấp. Bây giờ, Bình Dương không thể đặt nặng chỉ tiêu về giảm sinh nữa mà phải làm sao nâng mức sinh lên, từ 1,7 con lên 2,1 con. Nếu không sẽ có nguy cơ suy giảm DS và sẽ tác động rất lớn đến nguồn lực lao động của Bình Dương trong thời gian tới); kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; kiểm soát tốc độ già hóa DS và nâng cao chất lượng của người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nâng cao chất lượng DS; phát huy lợi thế của cơ cấu DS vàng; kiểm soát về di cư và tích tụ DS. Cả 6 vấn đề này là những nội dung rất quan trọng của định hướng DS và phát triển.

Hơn nữa, công tác DS không phải chỉ ngồi một chỗ, mà phải tiếp cận với người dân. Quan trọng nhất, cán bộ DS phải tham mưu của Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã để đưa công tác DS, các biến DS vào kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương mình, áp dụng vào trong xây dựng kế hoạch của các ban ngành khác. Điều quan trọng nữa là phải phối hợp liên ngành với các tổ chức, đoàn thể để vận động người dân hưởng ứng và tham gia các chính sách DS. Định hướng DS trong thời kỳ mới với tinh thần DS và phát triển, những vấn đề mới nảy sinh không chỉ giới hạn trong những vấn đề liên quan đến công tác KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì vậy, tầm của công tác DS phải được nâng lên, không chỉ là những dịch vụ. Và nếu như, công tác DS ở huyện chỉ là một khoa trong Trung tâm y tế thì không thể triển khai được các hoạt động DS theo định hướng chiến lược mới. Nếu như cán bộ DS xã lại là những cán bộ làm việc trong trạm y tế thì không thể đến với người dân được và họ chủ yếu chỉ tham gia các dịch vụ y tế tại trạm. Vậy, để chuyển hướng chiến lược rất cần chúng ta phải có chuyển hướng về tổ chức bộ máy cho phù hợp mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong công tác DS. Đặc biệt, là bộ máy DS ở cấp huyện và cấp xã.

- Hiện nay, Bình Dương có 75,4% cơ cấu DS trong độ tuổi lao động. Vậy, vấn đề bổ sung nguồn nhân lực, đáp ứng cơ cấu DS vàng có lợi như thế nào đối với tỉnh Bình Dương, thưa TS?

- Vấn đề kiểm soát mức sinh để đưa mức sinh đang thấp của chúng ta lên mức sinh thay thế là vấn đề rất quan trọng. Vấn đề giữ được mức sinh thay thế 2,1 con mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có tác dụng rất lớn trong việc kéo dài thời kỳ cơ cấu DS vàng. Bởi vì, DS của Bình Dương hiện nay nguồn lực của chúng ta đang nhập cư rất nhiều, làm sao để người dân Bình Dương đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai thì chúng ta cần quan tâm kiểm soát mức sinh và nâng mức sinh lên; duy trì được mức sinh thay thế càng lâu thì chúng ta càng giảm bớt tốc độ già hóa DS. Chúng ta biết rằng, hiện nay tốc độ già hóa DS của Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa cao nhất thế giới. Nếu như nước Pháp phải mất 111 năm, Thụy Điển mất 95 năm, Mỹ phải mất 67 năm để chuyển từ cơ cấu DS đang già (già hóa DS) sang DS già thì Việt Nam chúng ta chỉ có 18 - 20 năm. Bình Dương chắc chắn tốc độ sẽ nhanh hơn tốc độ bình quân chung của cả nước, bởi vì tuổi thọ trung bình của người dân Bình Dương cao hơn cả nước hơn 2 tuổi. Đây là điều kỳ vọng của chất lượng DS khi chúng ta nâng được tuổi thọ lên, nhưng nâng tuổi thọ lên thì tuổi thọ phải khỏe mạnh. Thứ hai, tỷ lệ sinh của Bình Dương đang giảm, tuổi thọ càng cao và tỷ lệ người già càng cao, trong khi đó tỷ lệ sinh càng thấp thì tốc độ già hóa sẽ càng cao. Đấy là quy luật. Và tốc độ già hóa cao là vấn đề đầy thách thức cho chúng ta trong vấn đề an sinh xã hội, trong việc đáp ứng những nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và trong các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội khác.

CẨM LÝ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=477
Quay lên trên