Bình Dương: Tích cực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 02-12-2015 | 08:30:59

Trong những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm thực hiện các chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Nhờ đó, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh được nâng lên đáng kể.

 Thi kéo co tại Liên hoan văn nghệ thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2014. Ảnh: T.L

Theo báo cáo của Phòng Dân tộc, Văn phòng UBND tỉnh, đến cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 20 DTTS với 4.499 hộ, 17.133 người sinh sống. Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Hoa với 11.160 người, dân tộc Khơme 2.885 người, ít nhất là dân tộc Mạ với 1 người. ĐBDTTS hầu hết sống đan xen với người Kinh trên khắp địa bàn tỉnh, riêng người Chăm sống tương đối tập trung tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng và người Hoa sống tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An.

Đa số ĐBDTTS sống bằng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, một số hộ là cán bộ, công chức, giáo viên. Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 838 hộ DTTS thuộc hộ khá giàu, 950 hộ trung bình, 56 hộ cận nghèo, 71 hộ nghèo và 30 hộ cần trợ cấp thường xuyên. Trình độ văn hóa của ĐBDTTS ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh có 293 người DTTS có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, 321 người có trình độ cao đẳng và 583 người có trình độ đại học. ĐBDTTS tích cực tham gia hoạt động hội, đoàn thể, phát huy năng lực, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng.

Cô Danh Thị Thu Thảo, giáo viên trường Tiểu học Tân An, (TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Ba cô là người Khơme, mẹ là người Kinh. Cô phấn đấu hoàn thành tốt chuyên môn, vừa làm tốt nhiệm vụ là cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cũng như đóng góp cho cộng đồng đồng bào dân tộc ở địa phương”.

Để hỗ trợ ĐBDTTS nắm bắt các quy định của Nhà nước, hàng năm, tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thu hút hơn 8.000 người DTTS tham dự. Tổ chức các lớp tập huấn cách trồng, chăm sóc cây cao su, điều, tiêu, mì, chăn nuôi gia súc, gia cầm… nhằm giúp đồng bào tăng thu nhập từ hoạt động nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống.

Đối với các hộ nghèo và cận nghèo, tỉnh thực hiện nhiều chính sách cho vay tín chấp như: cho vay vốn sản xuất, kinh doanh, đầu tư công trình nước sạch nông thôn, vay vốn thay đổi phương tiện giao thông… với bình quân dư nợ hàng năm là 1,71 tỷ đồng.

Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020

Tiếp tục phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác cán bộ trong các DTTS. Thực hiện giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, sự bình đẳng nam nữ, quyền của trẻ em và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, quy định về hoạt động tôn giáo.

Song song với việc hỗ trợ các điều kiện trực tiếp sản xuất cho đồng bào, tỉnh còn đầu tư các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện lưới, mở các lớp dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, hỗ trợ vật tư kỹ thuật giúp đồng bào phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững. Đặc biệt, tỉnh đã áp dụng đúng, đầy đủ những quy định, chính sách của Chính phủ đối với người DTTS. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực, công tác cán bộ trong các DTTS cũng được nâng cao. Đến nay, trong ĐBDTTS có 114 đảng viên, 532 đoàn viên, 16 người tham gia HĐND các cấp, 6 người tham gia Ủy ban MTTQ và 950 người hoạt động trong các hội, đoàn thể. Đã có 86 sinh viên ĐBDTTS tốt nghiệp được tuyển dụng về công tác tại các đơn vị sự nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh việc bảo đảm đời sống, thu nhập, việc nâng cao dân trí, học tập, chăm sóc sức khỏe của người DTTS cũng luôn được quan tâm. Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng cao; số học sinh, sinh viên người DTTS không ngừng tăng lên. Đặc biệt, Bình Dương đã luôn tạo điều kiện cho ĐBDTTS duy trì và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: Tổ chức Lễ hội rước cộ Bà của dân tộc Hoa, vui tết của dân tộc Sán Chỉ, lễ Ramadan của đồng bào người Chăm…

Nhờ việc thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh được cải thiện và nâng cao. Tạo điều kiện cho ĐBDTTS góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng toàn diện, bền vững.

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=912
Quay lên trên