Biwase bảo đảm cung cấp đủ nước sạch mùa khô 2013

Cập nhật: 09-04-2013 | 00:00:00

  Biwase bảo đảm cung ứng đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phát triển trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Nước thô được đưa vào bể lắng trước khi chuyển sang bể lọc Nắng hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu

“ Tính đến thời điểm này, Biwase đã thực hiện xong việc xác định hướng tuyến, chuẩn bị mặt bằng và lắp đặt tuyến ống nước thô Φ 1.000 cho Nhà máy nước Khu liên hợp và Φ 1.200 cho Nhà máy nước Dĩ An tại các điểm phải băng qua đường hoặc công trình đang thi công nhằm tiết kiệm kinh phí giải tỏa, tránh phải đào đường làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông và mỹ quan đô thị, sớm đưa công trình vào vận hành đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.”

Mặc dù đã xuất hiện rải rác những cơn mưa trái mùa, nhưng theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn thì tình hình thời tiết vẫn diễn biến khó lường, khả năng nắng hạn gay gắt, kéo dài và hiện tượng nước mặn theo con nước thủy triều lấn sâu vào đất liền sẽ còn gia tăng. Kết quả quan trắc nguồn nước mặt trên 2 con sông lớn là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cho thấy từ đầu năm đã xuất hiện mặn xâm nhập với tỷ lệ 1/1.000. Sang tháng 2-2013, do ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, tỷ lệ mặn bắt đầu vượt ngưỡng (1/2.500) và nước mặn đã theo con nước thủy triều lấn sâu lên thượng nguồn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy nước. Theo yêu cầu của TP.HCM, hồ Dầu Tiếng phải thực hiện xả tràn để đẩy mặn, giúp các nhà máy nước duy trì hoạt động, có đủ nguyên liệu nước thô để sản xuất ra nước sạch phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất tại khu vực TP.HCM.

So với sông Sài Gòn thì tỷ lệ nhiễm mặn trên sông Đồng Nai tuy có thấp hơn do lưu lượng lớn, nguồn nước dự trữ từ đầu nguồn cao; nhưng dự kiến đến cuối mùa khô khi xuất hiện mưa đầu mùa sẽ xảy ra hiện tượng “đứt mạch” nước ngầm dưới đất. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho nước mặn xâm nhập sâu hơn và tình trạng thiếu nguồn nước sạch cho sản xuất sẽ gay gắt hơn!

Bảo đảm cung ứng đủ nguồn nước sạch

Nói về tình hình cung ứng nước sạch cho sản xuất và đời sống, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (Nhà máy nước Tân Hiệp) Phạm Văn Chiến, cho biết: “Bình Dương có 2 con sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, cùng 2 hồ dự trữ nước ngọt lớn là hồ Dầu Tiếng và hồ Phước Hòa. Nhờ chủ động, phát huy lợi thế tự nhiên trong xây dựng chiến lược đầu tư, cộng với việc vận dụng kịp thời thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất, nên các nhà  máy cấp nước trọng điểm của tỉnh đã được đấu nối liên thông nhau bằng hệ thống đường ống 2 chiều, thuận lợi cho việc cấp, phân phối và điều tiết nước. Hệ thống này được quản lý, vận hành hoàn toàn tự động trên nền tảng công nghệ Sacada vừa bảo đảm hoạt động liên tục, hiệu quả vừa tiết kiệm lớn trong quản lý vận hành. Theo kết quả quan trắc hàng ngày, nếu phát hiện nước sông Sài Gòn nhiễm mặn thì Trung tâm Quản lý vận hành sẽ tự động can thiệp từ xa bằng cách ngưng hoạt động Nhà máy nước Thủ Dầu Một để lách, tránh lấy nước vào những ngày đỉnh triều lên cao, đồng thời điều tiết nguồn nước từ nhà máy khác về để nơi đây tiếp tục chuyển tải nước sạch phục vụ khách hàng. Công nghệ vận hành này được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay”.

Còn Tổng Giám đốc Công ty Biwase Nguyễn Văn Thiền thì cam kết: “Biwase bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sạch đạt chất lượng cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động khác, phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng nước của mọi khách hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Tiếp tục đầu tư và phát triển

Các nhà máy cấp nước Khu liên hợp (Tân Hiệp), Dĩ An đều là những nhà máy mới, hiện đại, nhưng đều hoạt động vượt công suất thiết kế từ 10 đến 20%/ngày đêm. Cụ thể, nhà máy cấp nước Khu liên hợp có công suất thiết kế 60.000m3/ngày đêm, nhưng phải vận hành trên 65.000m3/ ngày đêm, vượt công suất thiết kế 10%. Nhà máy cấp nước Dĩ An có công suất thiết kế 90.000m3/ngày đêm, nhưng phải vận hành với công suất 110.000m3/ngày đêm, vượt thiết kế 20%. Do vậy, việc mở rộng để nâng công suất của các nhà máy nước là việc phải làm ngay.

Đề cập đến nguồn vốn phục vụ nâng cấp các nhà máy nước nói trên, Tổng Giám đốc Biwase Nguyễn Văn Thiền, cho biết: “Năm 2013 tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nên hầu hết các doanh nghiệp đều khó tiếp cận được những nguồn vốn lớn, đặc biệt là vốn vay để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với uy tín của tỉnh, hiệu quả hoạt động vượt trội của các dự án do công ty quản lý đã tạo niềm tin, sự phấn khích cho các nhà đầu tư. Quý II-2013 các nhà tài trợ vốn ODA sẽ tiếp tục giải ngân nguồn vốn, để công ty triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng công suất Nhà máy nước Khu liên hợp tăng thêm 30.000m3/ngày đêm. Nguồn vốn này do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Tương tự, Nhà máy nước Dĩ An cũng sẽ được mở rộng để tăng thêm 50.000m3/ngày đêm so với hiện tại. Nguồn vốn do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ. Mục tiêu của việc mở rộng các nhà máy nước nói trên là nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

 Tổng Giám đốc Biwase NGUYỄN VĂN THIỀN: “Tăng giá nước là điều bất khả kháng!”

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 07/2013 về quy định giá nước cho sinh hoạt đô thị và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với mức tăng từ 5.300 đồng lên 6.100 đồng cho 20m3 đầu tiên. Trao đổi với P.V Báo Bình Dương xoay quanh nội dung phải tăng giá nước, Tổng Giám đốc Biawase Nguyễn Văn Thiền cho biết tăng giá nước là điều bất khả kháng!

- Ông có thể cho biết quyết định tăng giá nước của UBND tỉnh sẽ được áp dụng kể từ ngày nào và mức tăng cụ thể không thưa ông?

- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã ký quyết định áp dụng giá nước mới kể từ ngày 1-4 với mức tăng cụ thể từ 5.300 lên 6.100 đồng/m3 cho 20m3 đầu tiên. Sau đó, cứ 10m3 tăng thêm sẽ có giá lũy tiến từ 8.500 đồng/m3 lên 9.500 đồng/m3. Kể từ m3 thứ 40 trở đi giá ổn định là 8.500 đồng/m3 và giá kinh doanh dịch vụ là 13.000 đồng/m3.

- So sánh với các tỉnh, thành khác thì mức giá này thế nào và vì sao phải áp dụng giá lũy tiến?

- Mỗi nơi đều có cách tính toán giá thành riêng, phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 95/2009 của liên Bộ Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặt bằng giá của Bình Dương tương đối thấp hơn so với Hải Phòng 10.000 đồng/m3; Bến Tre 7.000 đồng/m3… Còn việc áp dụng giá lũy tiến là nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay tiết kiệm nguồn nước sạch quý giá ngày càng trở nên khan hiếm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập…

- Thời điểm để tăng giá nước đã được cân nhắc kỹ chưa thưa ông?

- Kể từ lần tăng giá trước đây thì mức lương cơ bản đã tăng 95,8% từ 1,2 triệu đồng lên 2,35 triệu đồng/ người/tháng. Giá điện tăng 17%; giá xăng dầu, nhiên liệu tăng, hóa chất tăng trên 20%... Xét đề nghị của Biwase và ý kiến thẩm định của Sở Tài chính, UBND tỉnh đã rất cân nhắc và quyết định tăng giá vào thời điểm này, vì nếu kéo dài sẽ dẫn đến mất cân đối. Qua tính toán, mỗi hộ sử dụng tiết kiệm thì chỉ tăng thêm chưa tới 10.000 đồng/hộ/tháng. Đối với hộ nghèo, gia đình chính sách UBND tỉnh cũng đã có chính sách ưu đãi miễn phí 100% tiền nước. Công nhân ở trọ cứ 4 người/phòng trọ được hưởng 1 định mức nhằm tránh ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người có thu nhập thấp.

Nhân đây tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý khách hàng đã đồng hành, ủng hộ Biwase trong suốt thời gian qua. Công ty cam kết sẽ cố gắng hết sức, tiết kiệm tối đa nhằm ổn định giá thành và phục vụ tốt mọi nhu cầu về nước sạch cho khách hàng.

- Xin cảm ơn ông!

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=420
Quay lên trên