Bức ảnh “Nỗi đau và trách nhiệm” chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vì trách nhiệm, hãy vượt lên tất cả

Cập nhật: 12-10-2013 | 00:00:00

Bức ảnh “Nỗi đau và trách nhiệm” của nhà báo Nguyễn Hồng Phương (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM) chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (9-9-1969). Lúc đó, Đại tướng rưng rưng nước mắt, cố nén đau thương, dỗ dành các bạn trẻ đang òa vào lòng mình. Hôm nay, Đại tướng đã đi theo Bác, nhân dân cả nước cũng đang ngậm ngùi tiếc thương ông…  

“Nỗi đau và trách nhiệm” - ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa quảng trường Ba Đình trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-9-1969 Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Bức ảnh “Nỗi đau và trách nhiệm” được nhà báo Hồng Phương chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, ngày 9-9-1969. Đây là bức ảnh được giới nhiếp ảnh đánh giá rất cao. Ông Lê Phức, Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam từng nhận xét: “Đây là một bức ảnh báo chí rất nghệ thuật có giá trị lịch sử, cần phải được lưu giữ thật tốt để sử dụng lâu dài cho quân đội, cho đất nước”. Bức ảnh “Nỗi đau và trách nhiệm” của nhà báo Hồng Phương cũng vinh dự được đưa vào cuốn sách ảnh thế kỷ 20 của Việt Nam xuất bản vào năm 2006.  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp nhà báo Hồng Phương tại nhà riêng, tháng 10-2003 Ảnh: GIÃN THANH SƠN

Giờ đây, tuy đã gần 45 năm trôi qua mà bối cảnh của bức ảnh và thời khắc chụp bức ảnh ấy vẫn hiện lên rất rõ trong đầu nhà báo Nguyễn Hồng Phương. Ông chia sẻ: Đó là những ngày sau khi Bác Hồ mất, cả nước đau thương. Hàng chục triệu đồng bào chiến sĩ cùng tiếc thương Người. Ngày 9-9-1969, sau một tuần lễ Bác mất, lễ truy điệu được tổ chức trọng thể ở quảng trường Ba Đình trong tình cảm xúc động đặc biệt khi vĩnh biệt Người. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vùa dứt, các đồng chí lãnh đạo tỏa ra nhiều hướng trên quảng trường, cùng chia sẻ nỗi đau với đồng bào, đồng chí dự lễ tang. Các em thiếu nhi quàng khăn đỏ vây lấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Các thanh niên ùa tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một rừng ống kính nhiếp ảnh của phóng viên trong nước và quốc tế xuất hiện, trong đó có rất nhiều nhà báo có máy ảnh hiện đại. Còn tôi, một phóng viên của Báo Quân đội nhân dân, chuyên viết bài, chỉ có trong tay chiếc máy Kiép và nửa cuộn phim của Liên Xô sản xuất đã chụp mất gần chục kiểu. Nhưng trước thời cơ vàng xuất hiện, không một giây chần chừ, tôi lao đi như một mũi tên, rồi cúi mình xuống, nghiêng người, ôm gọn máy trước ngực, chui qua cả rừng người, xuyên lách qua đội hình các bạn đồng nghiệp nhiếp ảnh dày đặc để tiến sát Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đúng lúc Đại tướng rưng rưng nước mắt, cố nén đau thương, dỗ dành các bạn trẻ đang òa vào lòng mình. Khoảnh khắc tuyệt vời đã đến, tôi chỉnh máy rất nhanh. Nhưng ống kính của tôi lúc đó bị cái đầu của hai phóng viên phương Tây che lấp. Nhanh như cắt, tôi nhón chân, rướn cao người, hướng ống kính vào giữa hai gáy và vai của hai bạn đồng nghiệp đó và bấm máy, tiếc thay chỉ bấm được một kiểu duy nhất, vì ngay sau đó tôi bị chen bật ra, không tài nào tiến gần Đại tướng để bấm được thêm kiểu nào nữa.

Với một khoảnh khắc ngắn ngủi ấy mà nhà báo Hồng Phương đã may mắn có được bức “Nỗi đau và trách nhiệm” quý báu ấy. Thật may mắn và hạnh phúc khi cái khoảnh khắc nghề nghiệp ấy đã cho ông ghi được một bức ảnh lịch sử. Gương mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự kiện đau thương đó đã hiện ra rất đúng với cái chất của con người ông và cái tên của bức ảnh cũng hiện ra như không thể nào khác được: “Nỗi đau và trách nhiệm”. Cái thần của bức ảnh quyện chặt với tiêu đề có sức khái quát như gợi mở biết bao cảm xúc của người xem với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhà báo Hồng Phương xúc động kể lại: Việc tuyên truyền trên báo về nỗi đau khi Bác mất đã qua đi, nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi đã lưu giữ như báu vật bức ảnh phóng 12x18 ấy suốt mấy chục năm trong hồ sơ tư liệu báo chí của tôi, nhờ vậy mà sau này bức ảnh đã đến được với công chúng. Từ tháng 5-2003 đến nay, “Nỗi đau và trách nhiệm” đã được hơn 20 tờ báo, tạp chí đăng trang trọng trong những thời điểm khác nhau. Sau này, khi có dịp được gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã nói với tôi: “Dịp Bác mất, hôm truy điệu ở quảng trường Ba Đình, hầu như ai cũng khóc. Khóc thành tiếng và khóc trong lòng. Anh Phạm Văn Đồng khóc nhiều nhất. Tôi cũng không sao cầm được nước mắt, nhưng cũng như các anh khác, nghĩ đến trách nhiệm rất lớn, lớn lắm. Bức ảnh anh ghi được rất quý. Cái tên của bức ảnh anh đặt có chiều sâu, rất sâu… Trên đời này, ít nhiều ai cũng có một nỗi đau nào đó. Vì trách nhiệm, vì nghĩa lớn phải bấm bụng vượt qua. Vì trách nhiệm phải vượt qua chính mình”. Hôm nay trong những giờ phút vĩnh biệt Đại tướng, với lòng tiếc thương vô hạn, tôi muốn gửi tới gia đình Đại tướng và đông đảo bạn đọc bức ảnh mà tôi đã có duyên may ghi lại được, cũng là mong muốn gửi một nén nhang nhỏ nhoi để tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tổng tư lệnh tài ba, kiệt xuất của dân tộc ta.

Giờ đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi theo Bác Hồ. Cả nước đang vô cùng ngậm ngùi tiếc thương trước sự ra đi của ông. Những ngày này, hàng chục ngàn người con dân Việt Nam từ những vùng miền khác nhau, không hẹn mà gặp, đã cùng đến số nhà 30 Hoàng Diệu để chia sẻ nỗi đau trước sự mất mát to lớn của dân tộc. Bức ảnh “Nỗi đau và trách nhiệm” của nhà báo Hồng Phương thêm một lần nhắn nhủ chúng ta điều đã khắc sâu trong tâm khảm của người chụp và những người từng biết đến nó, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói, đó là: Trên đời này, ai cũng có một nỗi đau. Nhưng vì trách nhiệm, hãy vượt lên, vì nghĩa lớn, hãy biết vượt qua chính mình.

NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1477
Quay lên trên