Cần khởi tố hành vi “hôi của”

Cập nhật: 11-12-2013 | 00:00:00

Với mỗi kiểu “hôi của” khác nhau, luật định hành vi và có những chế tài xử phạt từ nặng đến nhẹ, có thể lên đến chung thân trong trường hợp nghiêm trọng. Đây cũng là lời cảnh báo cho những kẻ tham lam đang có thói quen lợi dụng tai nạn, thiên tai, bất hạnh của người khác để trục lợi bất chính cho bản thân mình!

12 giờ 40 phút ngày 29-11, trên quốc lộ 1, gần chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM, một người đàn ông rơi một xấp tiền 100.000 đồng xuống đường, bị gió thổi bay tứ tung. Chỉ trong tích tắc, hàng chục người từ lề đường nhào ra nhặt. Thậm chí cả tài xế và lơ xe tải cũng dừng lại giữa đường đang lưu thông để lượm tiền, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn!

Vụ công khai “cướp” bia vào trưa 4-12

Trưa 4-12, tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, tài xế ôm cua vòng xoay, gặp một số xe khác chạy ngang phía trước nên phải đánh lái tránh và bị lật. Hàng trăm két bia đổ ập xuống đường. Hàng trăm người dân chạy tới, thay vì giúp đỡ xe gặp nạn thì họ xúm nhau lại “hôi bia”. Vì người “hôi bia” quá đông nên dù tài xế đã van xin nhưng không ai để ý mà càng kích thích họ xông ra giữa đường lấy tài sản. Trong lúc tài xế và lơ xe cố gắng thu gom số bia bị đổ, nhiều người đã lợi dụng leo lên cả thùng xe để lấy những két bia còn nguyên vẹn. Các nhân chứng cho biết có người còn đưa cả xe ba gác ra chở bia đi!

Đó là 2 trong số nhiều vụ việc “hôi của” xảy ra gần đây đang tạo luồng sóng phẫn nộ về hành vi của “người Việt xấu xí”. Tuy nhiên, đến nay phía cơ quan chức năng vẫn chưa chủ động vào cuộc để có những biện pháp xử lý thích hợp, mang tính răn đe để giữ kỷ cương pháp luật.

TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho rằng thực tế nhiều vụ “hôi của” tương tự khi có người gặp nạn trên đường phố đã xảy ra nhưng đến nay vẫn không ai bị xử lý nên tình trạng này cứ tái diễn. Có thể là do cơ quan bảo vệ pháp luật chưa kiên quyết làm; vì đây không chỉ một vài cá nhân riêng lẻ mà có cả một đám đông hè nhau “hôi của” một cách trắng trợn, công khai nên việc xác định ai chiếm đoạt, chiếm đoạt cụ thể bao nhiêu cũng như thu thập các chứng cứ buộc tội… là rất khó!

Theo TS Hưng, đây là hành động thể hiện đạo đức bị xuống cấp, ý thức pháp luật của người dân nói chung ngày càng kém. Pháp luật bảo vệ tài sản của người khác, cho dù tài sản này bị rơi ra đường nhưng nó không phải là vô chủ. Do vậy, việc lợi dụng lúc người bị tai nạn té ngã, choáng, ngất; thậm chí chết hoặc đơn độc không thể quản lý được tài sản để xông vào nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc… là đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật và tùy từng trường hợp cụ thể mà cần xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Phân tích từng trường hợp “hôi của” cụ thể, luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: “Rõ ràng những người hôi của trong những trường hợp như vậy đều vi phạm pháp luật. Để xác định mức độ vi phạm cụ thể thì phải căn cứ vào giá trị tài sản mà người hôi của chiếm đoạt. Nếu giá trị tài sản lấy đi có giá trị dưới 2 triệu đồng thì có thể chỉ xử lý vi phạm hành chính nhưng nếu từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị khởi tố hình sự. Hành vi hôi của trong trường hợp người đi đường bị tai nạn, cướp giật… thì phạm vào tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân. Trường hợp nếu thấy nạn nhân bị tai nạn mà chỉ lo lấy tài sản, không cứu giúp thì còn có thể phạm thêm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, được quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự và có thể bị xử phạt từ 3 tháng đến 5 năm tù”.

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, phân tích: Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác trong hoàn cảnh vì lý do nào đó mà người chủ tài sản không đủ năng lực, không có điều kiện ngăn cản. Trong vụ lật xe bia vừa xảy ra tại Đồng Nai, tài xế xe tải không bị thương nhưng vì lý do khách quan là đường đông, xe cộ qua lại tấp nập, lợi dụng thời khắc đó đám đông ùa đến tranh giành, lấy bia thì rõ ràng tài xế xe chở hàng này không có cách nào ngăn cản nổi! Trong trường hợp giá trị tài sản bị một cá nhân chiếm đoạt chưa đủ mức định lượng 2 triệu đồng, cơ quan tố tụng vẫn có thể vận dụng quy định “gây hậu quả nghiêm trọng” để khởi tố. Hậu quả nghiêm trọng ở đây không đơn thuần là thiệt hại về tiền mà ảnh hưởng lớn đến xã hội. “Hành vi này tạo ra một xã hội không an toàn, không nhân văn; nếu cứ ra đường và sơ sẩy một chút là bị người dân tranh giành, xâu xé tiền, tài sản ngay trước mắt thì ai còn dám đi”!, thẩm phán Hùng nói.

NGUYỆT MINH - TUẤN NGUYỄN (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên