Chất vấn để giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đặt ra

Cập nhật: 06-11-2023 | 10:40:27

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thực hiện các "lời hứa," cam kết

Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực.

“Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các 'lời hứa,' cam kết của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, đã chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay, nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân, những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành.

Đồng thời, thông qua hoạt động tái giám sát, sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn.

Trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tổ chức giám sát lại theo Khoản 6 Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Đối với các thành viên Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước để làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật đã làm được, những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Quốc hội sẽ chất vấn 4 nhóm lĩnh vực, cụ thể là nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Về các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng...

Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng bảo đảm tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; thu hút vốn FDI, ODA và vốn vay ưu đãi đạt được nhiều kết quả tích cực...

Kỷ luật tài chính-ngân sách Nhà nước được tăng cường, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép của Quốc hội.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá phù hợp, sát thực tiễn, góp phần kiểm soát lạm phát. Thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định. Từ đầu năm 2023, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%; triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên...

Về các lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện, ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và đang tập trung hoàn thiện Kế hoạch thực hiện; kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia.

Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các đập, hồ chứa thủy điện. Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia đầu tư vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiệu quả cao; kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng năm 2023 đạt 43,08 tỷ USD, xuất siêu 9,3 tỷ USD; dự kiến cả năm 2023 đạt 43 triệu tấn lúa, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sửa đổi đồng bộ cơ chế quản lý, tài chính, phương thức đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022. Khuyến khích liên kết, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; rà soát, sắp xếp, đẩy mạnh cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập...

Xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành là một nhiệm vụ trọng tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo kịp thời thể chế hóa những chủ trương, định hướng chính sách, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra.

Trong đó, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và tiếp tục cần thời gian để hoàn thành.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên